Quận Tây Hồ sẽ chỉ còn 106 tổ dân phố

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/9, HĐND quận Tây Hồ tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với các Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận và Tổ trưởng Tổ dân phố trên địa bàn quận.

Tại Hội nghị, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, năm 2019, trước khi thực hiện Quyết định số 5241/QĐ-UBND ngày 19/9/2019 của UBND TP về việc ban hành Đề án về việc tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố thuộc địa bàn TP Hà Nội, trên địa bàn quận Tây Hồ có 304 tổ dân phố. Trong đó, các tổ dân phố có số hộ dân ít hơn 225 hộ là 274 tổ, chiếm tỷ lệ 90,13% so với tổng số hộ dân, tổ dân phố có từ 225 hộ đến 450 hộ là 29 tổ, chiếm tỷ lệ 9,54%  so với tổng số hộ, số hộ dân phố trên 450 hộ là 1 tổ, chiếm tỷ lệ 0,33% so với tổng số hộ dân.
 Toàn cảnh Hội nghị.
Thực hiện Đề án của UBND TP và kế hoạch của Quận ủy, UBND quận đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai sáp nhập 293 tổ dân phố cũ thành 95 tổ dân phố mới, đổi tên 11 tổ dân phố. Theo đó, sau khi kiện toàn, sáp nhập quận Tây Hồ có tổng số 106 tổ dân phố, giảm 198 tổ dân phố. 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, việc sáp nhập các tổ dân phố có quy mô nhỏ thành các tổ dân phố có quy mô lớn hơn góp phần làm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các khu dân cư, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm, hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả của các tổ chức Đảng và đoàn thể.
Đáng chú ý, mô hình hình sau kiện toàn mỗi tổ dân phố hoặc liên tổ dân thuộc 1 chi bộ, 1 ban công tác mặt trận, nên đảm bảo sự thống nhất phối hợp chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, từ đó, việc quản lý hành chính, an ninh trật tự trên địa bàn các phường được đảm bảo. Sau sát nhập, số lượng tổ dân phố giảm tạo điều kiện cho việc triển khai các chủ trương chính sách được nhanh chóng, thuận tiện hơn và tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Tài cũng cho rằng, sau khi sáp nhập phải chỉnh sửa, bổ sung, cấp mới lại toàn bộ văn bản, giấy tờ hành chính liên quan đến các hộ dân, cá nhân và tổ chức cũng như toàn bộ tên tổ dân phố, số nhà, gây áp lực không nhỏ cho cơ quan công an, chính quyền địa phương.
 Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Sau kiện toàn, sáp nhập, quận Tây Hồ hiện có 10 tổ dân phố có quy mô trên 600 hộ gia đình. Để đảm bảo có đủ nhân lực, đề nghị HĐND quận kiến nghị HĐND, UBND TP xem xét, sửa đổi quy định tổ dân phố có quy mô từ 600 hộ gia đình trở lên “cần thiết có thêm 2 phó tổ trưởng tổ dân phố”.
Tại Hội nghị, cử tri quận Tây Hồ đã phát biểu đánh giá cao việc tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố thuộc địa bàn TP Hà Nội, qua đó đã khắc phục được hạn chế khó khăn về nhân lực; việc tổ chức các hoạt động tập thể được thực hiện tốt hơn.
Bên cạnh những mặt tích cực, cử tri cho rằng, sau khi tiến hành sáp nhập, địa bàn rộng hơn, dân cư đông hơn đã gây khó khăn trong công tác quản lý; trong khi đó, kinh phí phụ cấp hỗ trợ thấp nên người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố không nhiệt huyết, cũng như triển khai các nhiệm vụ, hoạt động trên địa bàn sẽ hạn chế, hiệu quả không cao. Một số tổ dân phố không có nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc có nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng diện tích nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri, Thường trực HĐND quận Tây Hồ đã giải trình, làm rõ một số nội dung cử tri quan tâm, đồng thời cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến để gửi đến HĐND TP và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.