Quận Tây Hồ gắn biển 10 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/3, quận Tây Hồ đã gắn biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng yêu cầu trong Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận TP Hà Nội”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Chu Xuân Kiên và Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến trao biển nhận diện cho 10 cửa hàng.
Để thực hiện Đề án, quận Tây Hồ đã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế tại các cửa hàng trên địa bàn. Theo kết quả khảo sát của quận, trên địa bàn có 54 cơ sở kinh doanh trái cây (trong đó có 14 cửa hàng chuyên doanh, 40 cửa hàng tổng hợp). 100% cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 40/54 cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) hoặc giấy xác nhận cam kết đảm bảo ATTP… Quận cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tập huấn, hướng dẫn thực hiện Đề án cho các cơ sở kinh doanh.
Đợt này, quận đã cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn đáp ứng yêu cầu của Đề án cho 10 cửa hàng trên địa bàn phường Xuân La và phường Tứ Liên gồm: Các địa điểm của Siêu thị Vinmart (Công ty cổ phần DVTM tổng hợp VINCOMERCE - Chi nhánh Hà Nội) tại 50 Nguyễn Hoàng Tôn, 35 Xuân La, tầng 1-CT2A khu nhà ở Xuân La, 123 đường Âu Cơ, 11C ngõ 124 đường Âu Cơ (Tứ Liên), 98 Xuân Diệu (Tứ Liên); cửa hàng Trái cây nhập khẩu (98 Xuân La), cửa hàng Thực phẩm Chi Nông (số 60 ngõ 28 Xuân La), cửa hàng Thực phẩm an toàn TOP Green (53 Xuân La), cửa hàng trái cây sạch (10 Xuân La). Như vậy, trên địa bàn quận hiện có 12 cửa hàng đã được gắn biển nhận diện trái cây an toàn.

Tại lễ gắn biển, Phó Giám đốc Sở Công Thương Chu Xuân Kiên cho biết, Hà Nội đang triển khai tích cực Đề án tại các quận và phấn đấu đến hết năm 2018, gắn biển gần 1.000 điểm kinh doanh trái cây đảm bảo yêu cầu đặt ra. Sở cũng có sự hỗ trợ các hộ kinh doanh về nguồn gốc trái cây, vốn để đầu tư trang thiết bị với lãi suất bằng 0, tập huấn về kiến thức ATTP.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, hiện số cửa hàng được gắn biển nhận diện kinh doanh trái cây an toàn mới đạt hơn 30% so với tổng số cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn. Quận sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu 100% cửa hàng được gắn biển nhận diện trong năm 2018. Quận đã đề nghị các phường, tiếp tục thông tin về chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch của quận và TP về thực hiện Đề án này đến các hộ kinh doanh. Kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATTP… Đồng thời, mong muốn các cửa hàng đã được gắn biển cần thực hiện, duy trì tốt 4 tiêu chí của Đề án. Từ đó, tạo thói quen cho người tiêu dùng, nói không với cửa hàng không đủ điều kiện và góp phần dẹp được chợ cóc, chợ tạm.

Ông Nguyễn Định Khuyến cũng đề nghị Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các cửa hàng, kiểm soát nguồn gốc trái cây từ các đầu mối trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận để tạo nguồn hàng đảm bảo an toàn.