|
Quận Thanh Xuân tổ chức hội nghị đối thoại TTHC với công dân. Ảnh: Thái San |
Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, từ đầu năm đến nay, tại quận tiếp nhận 2.495 hồ sơ. Trong đó, có 2.463 hồ sơ giải quyết đúng hạn, 32 hồ sơ đang trong hạn giải quyết, không có hồ sơ chậm muộn. Tại 11 phường tiếp nhận 46.418 hồ sơ. Trong đó, có 46.297 hồ sơ giải quyết đúng hạn, 121 hồ sơ đang trong hạn giải quyết, không có hồ sơ chậm muộn. Toàn quận đã tiếp nhận, giải quyết được 5.511 hồ sơ dịch vụ công mức độ 3 (trong đó cấp quận 2.166 hồ sơ, cấp phường 3.345 hồ sơ).
UBND quận thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị liên quan đến quy định của TTHC, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức làm việc tại BPMC quận, phường qua đường dây nóng và email. Chưa có ý kiến, kiến nghị, phản ánh về quy định TTHC, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC.
Tại buổi đối thoại, có 12 ý kiến công dân phát biểu. Tất cả đều hài lòng khi thực hiện TTHC tại BPMC của quận và các phường trên địa bàn. Bà Trương Thị Nguyệt (phường Hạ Đình) cho hay, rất ngạc nhiên vì thực hiện TTHC thuận lợi cả ở phường và quận. Khu vực bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC rất sạch sẽ, văn minh, cán bộ tiếp dân hướng dẫn tận tình. Sáng 26/6, bà đến nhận kết quả ở quận chỉ mất thời gian 5 phút.
Đồng quan điểm, đại diện Trường Mầm non Hạt giống Kim Giang cho hay, trong suy nghĩ của bản thân vẫn mặc định 16 giờ 30 buổi chiều hàng ngày là hết giờ hành chính. Tuy nhiên, khi ra UBND phường Kim Giang vào chiều muộn, cán bộ cho biết, việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục đến 17 giờ 30. Cán bộ tại BPMC đã hỗ trợ, hướng dẫn tận tình nên đã giúp trường sớm hoàn thành TTHC để nộp lên cấp trên.
|
Công dân thực hiện TTHC tại BPMC của quận Thanh Xuân. Ảnh: Thái San |
Tại buổi đối thoại, một số ý kiến kiến nghị, quận Thanh Xuân nên triển khai việc nhắn tin, thông tin cho công dân qua mạng Zalo, xu hướng chung trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chị Nguyễn Hồng Phương (phường Thanh Xuân Nam) cho hay, việc nhắn tin, thông tin cho công dân qua Zalo miễn phí, không tốn kém, nên nếu quận áp dụng sẽ tiết kiệm được chi phí.
Về kiến nghị này, Phó Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân Dương Đức Hiền cho biết, thông báo cho công dân qua tin nhắn Zalo sẽ thuận tiện, chi phí rẻ. Tuy nhiên, công dân sử dụng Zalo chưa phổ cập, chủ yếu giới trẻ sử dụng điện thoại thông minh, dùng mạng 3G mới sử dụng được Zalo. Trong khi, tỷ lệ các công dân lớn tuổi đi làm thủ tục nhiều. “Để xây dựng chính quyền điện tử, quận Thanh Xuân đã đầu tư, xây dựng phần mềm, nhắn tin SMS. Tất cả công dân làm TTHC đều nhận được tin nhắn”- ông Hiền nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Khổng Minh Thảo, hiện tại, công dân thực hiện TTHC đã giảm được thời gian đi lại. Trước đây, công dân thực hiện TTHC mức độ 2, phải đến quận khai báo, nhận hồ sơ, ký nhận kết quả, mất 3 lần đi lại. Từ khi triển khai, thực hiện TTHC mức độ 3, công dân chỉ mất thời gian đi lại một lần đến lấy kết quả, giảm được 2 lần đi lại.
“Hiện tại, quận Thanh Xuân đạt 55% thủ tục mức độ 3. Theo kế hoạch của TP, đến năm 2020, đến 80% TTHC mức độ 3 và có cả TTHC mức độ 4, tiến tới nền hành chính hiện đại, chủ yếu giao dịch trên môi trường mạng, sẽ tạo thuận lợi tối đa cho công dân” – ông Thảo chia sẻ.
Lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cũng cho hay, nếu như trước đây, công dân đến quận phải bấm số, thì hiện nay quận đã áp dụng lấy số qua mạng. Công dân có thể ngồi ở nhà, truy cập vào trang dịch vụ công của quận để lấy số, đăng ký chọn thời gian giải quyết TTHC. Đây là nội dung quận yêu cầu tạo thuận lợi nhất cho công dân chủ động thời gian giải quyết TTHC, nhận kết quả.