Quản trị nguồn nhân lực doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4

V.Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/5, Hội thảo "Khoa học và công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4" đã diễn ra tại Hà Nội quy tụ các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách, chuyên gia khoa học công nghệ, đại diện các doanh nghiệp chia sẻ những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam, trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực.

 Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội
Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với khu vực
Tham luận tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu với chủ đề Quản trị nhân lực.

Theo đó, hiện nay, nước ta đang hình thành các trung tâm khoa học - công nghệ theo hướng hiện đại, như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội); Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh; Công viên phần mềm Quang Trung; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư, xây dựng "Thành phố khoa học" tại Quy Nhơn (Bình Định); lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chủ trương đầu tư, xây dựng "thành phố sáng tạo phía đông bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức"...

Để có được kết quả trên là nhờ có sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự sâu sát của các cấp, các ngành. Trong đó xác định cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến...

Tuy nhiên, GS Kenichi Ohno thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản nhận xét, năng suất lao động của Việt Nam hiện có tăng từ 4% đến 5% mỗi năm nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực và Việt Nam cần đặt mục tiêu nâng cao năng suất lao động. Trong khi đó TS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo) cho rằng, để công nghiệp hóa thành công thì mũi nhọn đột phá là năng suất lao động. Đồng quan điểm trên, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) lưu ý Việt Nam cần ưu tiên 4 vấn đề lớn, trong đó, có "đầu tư nguồn nhân lực và điều kiện tiên quyết để có nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

Về thực trạng nguồn nhân lực và năng suất lao động hiện nay, ông Lê Hoàng Châu đánh giá, năng suất lao động thấp là một nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn - hệ số ICOR của nước ta thuộc loại thấp, chỉ trong khoảng 4,9 - 5,2 (chỉ số ICOR của Nhật Bản những năm 1970, Hàn quốc, Đài Loan những năm 1980 chỉ trong khoảng 2,5 - 3, chỉ bằng một nửa so với nước ta).

Năm 2017, năng suất lao động của nước ta tăng lên 6% và so với trung bình cả giai đoạn 2011 - 2017 thì tăng lên đến 25%. Tuy nhiên, với năng suất lao động của nước ta bình quân chỉ đạt 9.894 USD, thì chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippin và bằng 87,4% của Lào.

Về nguyên nhân tình trạng trên, theo GS.TS Ngô Thắng Lợi (Đại học Kinh tế Quốc dân) là do, tỷ lệ thất nghiệp, bán thất nghiệp còn khá cao, đi đôi với trình độ, năng lực lao động thấp; bên cạnh đó công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm lỷ lệ quá cao và hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; người lao động chủ yếu đảm nhận sản xuất các sản phẩm và công đoạn sản xuất gia công...
 Sẽ có những công việc lao động đơn giản sớm bị robot thay thế 
Lấy dẫn chứng trong ngành xây dựng, ông Châu chỉ rõ, hiện nước ta đã ứng dụng nhiều công nghệ mới, thiết bị mới như: Phương pháp thi công "Top - down", sử dụng vật liệu xây dựng mới như công nghệ xây dựng 3D, tấm tường Acotec, thi công sàn nhà cao tầng chỉ từ 3 - 5 ngày... đã xây dựng thành công công trình cao tầng Vinhome LandMark Tower 81 tầng cao nhất Việt Nam, trong top 10 tòa nhà cao nhất thế giới, do Coteccons làm tổng thầu thi công. Nhưng, nhìn chung, năng suất lao động của ngành xây dựng vẫn còn thấp; thiết bị, máy thi công, công cụ lao động, trang bị bảo hộ lao động còn lạc hậu; có những vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường như gạch không nung, cát nhân tạo, nhưng chậm được chuẩn hóa...

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, hiện nay chiến lược "săn đầu người" với rất nhiều phương thức và thủ đoạn để có lực lượng lao động trình độ cao đang làm "chảy máu chất xám" của đất nước, cũng như của các doanh nghiệp là một vấn đề hệ trọng cần được quan tâm giải quyết để vừa giữ được người tài, vừa thu hút thêm được nhiều người tài, trước hết là các vị trí cán bộ chủ chốt. Như Singapore đã có chính sách trả lương rất cao cho Bộ trưởng tương đương lương của Chủ tịch Tập đoàn kinh tế, lương công chức rất cao, lương của cán bộ quản lý và người lao động của khu vực kinh tế tư nhân cũng rất thỏa đáng, đi đôi với chế độ trách nhiệm và được sát hạch, sàng lọc kỹ lưỡng.
Các chuẩn mực để xây dựng thành công nguồn nhân lực chất lượng cao

Ông Lê Hoàng Châu đánh giá, trong thời đại ngày nay, kỷ nguyên số đã tác động mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích cũng như thách thức đến công tác quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Thông qua các trang mạng xã hội, Youtube... giúp cho công tác tuyển dụng nhân sự được thuận tiện, nhanh chóng hơn. Các doanh nghiệp đều đòi hỏi cao về thể hiện năng lực đối với người dự tuyển, nhất là người dự tuyển cao cấp. Ngược lại, người dự tuyển cao cấp cũng đòi hỏi cao hơn về quyền lợi và đãi ngộ ngay sau khi được tuyển dụng.

Một bộ phận lao động trẻ không có khuynh hướng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà chỉ muốn trải nghiệm một thời gian rồi "nhảy việc" nhiều nơi. Các doanh nghiệp đều có lực lượng lao động hiện hữu và đều có yêu cầu tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực mới. Do vậy, để tồn tại và phát triển bền vững, bên cạnh các vấn đề lớn về thương hiệu, vốn, sản phẩm, thị trường, công nghệ... ông Lê Hoàng Châu lưu ý các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm xây dựng thành công nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn bó với doanh nghiệp, trước hết là đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt, chuyên viên và công nhân lành nghề. Từ đó vị Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra hệ thống các chuẩn mực để tư vấn cho các doanh nghiệp:

Về chiến lược, xây dựng "văn hóa doanh nghiệp", coi trọng nguồn lực con người là nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp. Trước hết, là cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của doanh nghiệp, trước hết là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng. Đồng thời, coi trọng công tác tuyển dụng, đặc biệt là có chiến lược "săn đầu người" để bổ sung nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải là một bộ phận trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp;

Tiếp đến, phải coi trọng công tác "tái cấu trúc doanh nghiệp" theo tinh thần khởi nghiệp, tái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; liên tục rà soát, cập nhật để kịp thời điều chỉnh, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp trong từng thời kỳ; xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả và bố trí lực lượng lao động đúng việc, đúng người để đảm bảo năng suất lao động cao nhất;

Phải gắn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với thực hiện chế độ đãi ngộ lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp thật thỏa đáng, đặc biệt là phải coi trọng xây dựng chính sách tiền lương, thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm xã hội, để nâng cao trách nhiệm, tự giác, sáng tạo, góp phần tăng năng suất lao động;

Các doanh nghiệp phải ưu tiên ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác quản trị, thi công, quản lý dự án, quảng bá, giới thiệu dự án, kinh doanh sản phẩm bất động sản qua mạng, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain vào kinh doanh bất động sản, để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Coi trọng việc hợp tác với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài để tăng thêm nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng thêm tính đa dạng của sản phẩm bất động sản, nhưng vẫn giữ được bản sắc kiến trúc Việt Nam;

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có bộ phận phụ trách nguồn nhân lực có tính chuyên sâu. Người làm công tác nhân sự phải là người có văn hóa, có tâm, có năng lực xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, và luôn quan tâm, thấu hiểu bản thân người lao động và gia đình người lao động trong doanh nghiệp.