Quảng bá bằng nhiều hình thức

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với công tác bảo tồn tổng thể các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, quận đang xây dựng Chuyên đề “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống trên địa bàn quận Đống Đa giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chuyên đề nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phát huy sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân để cùng chung tay bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận.
 Du khách tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Gián. Ảnh: Công Hùng
Mục tiêu hướng tới, trong năm 2019, 100% các phường hoàn thành việc kiện toàn Ban Quản lý di tích; xây dựng, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các Ban Quản lý di tích. Từ nay đến năm 2020, phấn đấu 100% các di tích chưa xếp hạng được nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học để làm căn cứ đề xuất cấp có thẩm quyền xếp hạng; nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề xuất cấp có thẩm quyền nâng hạng một số di tích tiêu biểu; nghiên cứu, xây dựng kịch bản cho một số lễ hội tiêu biểu trên địa bàn quận. Tiếp theo, năm 2025 quận sẽ hoàn thành công tác tổng kiểm kê di tích, di vật, phân loại, hoàn thiện hồ sơ khoa học.
Đến 2030, hoàn thiện hồ sơ pháp lý (cắm mốc giới, điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ) cho từng di tích, di vật đưa vào lưu trữ (số hóa dữ liệu về di tích) phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị. Từ nay đến 2030, 100% các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng được tu bổ, tôn tạo và sẽ ưu tiên các di tích về lịch sử cách mạng, kháng chiến.
Cũng theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa, để thực hiện được những chỉ tiêu đã đề ra, hiện nay hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận đã được tu bổ theo đúng quy định của pháp luật. Các di vật và cổ vật tại các di tích được bảo vệ nghiêm ngặt. Cùng với đó, quận sẽ gắn phát triển du lịch với phát huy giá trị di tích, lễ hội.
Quận cũng tập trung vào việc tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích, lễ hội bằng các hình thức đa dạng như: Trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên cổng thông tin điện tử của TP, quận; phát hành các ấn phẩm giới thiệu về di tích… Đặc biệt, quận sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của từng di tích, lễ hội trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri, tiếp dân để đón nhận những ý kiến phản biện, đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa.
“Ngoài việc đề ra những mục tiêu, giải pháp, quận Đống Đa cũng xây dựng và ban hành quy chế quản lý các di sản văn hóa trên địa bàn quận; kiện toàn hồ sơ xếp hạng di tích; lập các danh mục, hoàn thiện hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng và nâng hạng; xây dựng hồ sơ khoa học, đánh giá giá trị toàn bộ các di vật, đồ thờ tại di tích phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và quảng bá cũng như giới thiệu các di tích” - Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần