Quảng Bình: Mưa lũ lịch sử làm 12 người chết và mất tích

D. Tiêu (t/h)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ, với 12 người chết và mất tích, 13 người bị thương cho đến thời điểm này.

Do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 12/10/2016, trên địa bàn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có mưa rất to trên diện rộng, diễn biến phức tạp. Lũ trên các sông lên nhanh, chảy xiết làm sạt lở mái ta luy âm và trôi nền đường tại một số đoạn trên phạm vi 200km tuyến đường sắt Bắc-Nam gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Nhiều vị trí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh tại địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị ngập sâu; một số phương tiện vận tải thủy bị đứt neo, trôi ra biển.
 Mưa lũ khiến một số tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đoạn qua tỉnh Quảng Bình tê liệt.
Tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, đến 17 giờ ngày 15/10, toàn tỉnh có 12 người chết và mất tích, 13 người bị thương. Các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đoạn qua tỉnh Quảng Bình tê liệt.
Theo báo Quảng Bình, các trường hợp bị chết trong mưa lũ, gồm: ông Lê Văn Thân (SN 1968), ở thôn 7, xã Lý Trạch; Nguyễn Gia Bảo (SN 2012), ở thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch; Hồ Thị Long (SN 2003), người dân tộc Vân Kiều, ở bản Rào Con, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch; Nguyễn Thị Dương (SN 1939), ở phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn; Võ Thị Lài (SN 1966), xã Võ Ninh, Quảng Ninh; Hà Xuân Thanh (SN 1992), ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh; Trần Thanh Văn, 40 tuổi, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy; Nguyễn Văn Sự (SN 1971), xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới; Trương Hoài Nam, 14 tuổi, học sinh lớp 8, con ông Trương Thanh Đông và bà Hồ Thị Tình, trú tại xóm 6, thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, do bị sẩy chân xuống đập Mụ Thao và bị chết đuối vào lúc 11 giờ ngày 15/10.

3 người bị mất tích là ông Thái Xuân Năng (62 tuổi), thôn 3 Yên Thọ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; anh Đinh Văn Xưởng (25 tuổi, quê quán xã Hóa Hợp, tạm trú tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa), lúc bơi qua ngầm tràn để đưa một phụ nữ chuẩn bị sinh qua thì bị nước cuốn trôi và cháu Phạm Hoàng Phương (SN 2006), thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch bị nước cuốn trôi.

Mưa lũ đã làm 13 người trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch và Tuyên Hóa bị thương.

Ngoài ra, tàu Cảng vụ đã cứu vớt được 6 người trên biển, và đã chuyển đến Trạm bờ Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) để sơ cứu.
Tại Hà Tĩnh, tính đến chiều 15/10, tỉnh Hà Tĩnh đã có 3 người chết và mất tích do mưa lũ.

Bên cạnh thiệt hại về người, mưa lớn cũng gây ngập lụt 93 xã thuộc 9 huyện, thị xã và thành phố với 24.158 hộ dân. Địa phương có số xã bị ngập nhiều nhất là huyện Thạch Hà với 24 xã bị ngập, Cẩm Xuyên (20 xã), Hương Khê (16 xã); 723 ha lúa bị ngập, hoa màu bị ngập úng, hư hại trên 1.416ha. Gia cầm bị chết và cuốn trôi trên 99.000 con; gia súc bị chết và bị cuốn trôi gần 2.000 con trâu, bò và lợn. Đường giao thông sạt lở trên 3.170 m3 đất, đá; xói, lở và hư hỏng trên 16 cầu, cống… Mưa lớn cũng làm một số tuyến đường giao thông bị ách tắc như: Quốc lộ 15, 15B, các tuyến đường tỉnh lộ ĐT 553 và 554.
Tại Nghệ An, tính đến 15h chiều 15/10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 2 người tử vong do bị lũ cuốn.
Ngoài ra, mưa lớn liên tục trút trong 2 ngày đã khiến cho nhiều tuyến đường, cầu tràn bị ngập, trong đó có một số tuyến đường bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Tại Thành phố Vinh, mưa lũ khiến hàng chục tuyến đường và nhiều khu dân cư bị ngập sâu. Mưa lớn cũng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của tỉnh Nghệ An bị ngập. Trong đó, lúa bị ngập 815ha; ngô và rau màu các loại 5.206ha; diện tích nuôi cá 609ha.