Quảng cáo phim truyền hình: Cuộc chạy đua về lượng và chất

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phim truyền hình Việt Nam đang dần được ưa chuộng, hấp dẫn số lượng lớn khán giả.

Nhận biết được điều này, nhiều DN đã đầu tư, xây dựng các chương trình quảng cáo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên khung giờ vàng phim Việt. Nhờ số thu từ quảng cáo, đơn vị sản xuất phim có cơ hội phát triển, tái đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng.
Mỏ vàng thời đại 4.0
Theo bảng giá tham khảo quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (Đài truyền hình Việt Nam) được đăng tải trên website tvad.com.vn ngày 23/9, trong giờ vàng phim Việt (21 giờ - 21 giờ 30 phút) trên kênh VTV1, từ thứ 2 đến thứ 6, giá quảng cáo từ 80 - 100 triệu đồng/30s.
 Cảnh quay trong phim ''Về nhà đi con'' có thông tin quảng cáo về ngân hàng. Ảnh: VTV
Theo thống kê của Hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam Vietnam-Tam (vietnamtam.vn) của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), phim “Quỳnh búp bê” năm 2018 được công chiếu trên VTV3 có rating (lượng khán giả) trung bình mỗi tập đạt khoảng 17% tại thị trường Hà Nội (tức trung bình mỗi tập phim có 17% dân số Hà Nội xem phim).
Những bộ phim đang được công chiếu như “Hoa hồng trên ngực trái” có rating trung bình mỗi tập đạt 10,32% tại Hà Nội và 1,13% tại TP Hồ Chí Minh. Sau hơn 10 tập phát sóng, phim đạt 328 TVC (phim quảng cáo), thu về 35,6 tỷ đồng (báo giá quảng cáo theo TVAD). Phim “Bán chồng” cũng có sức hút không kém khi có rating trung bình đạt 7,16% tại Hà Nội và khoảng 1% tại TP Hồ Chí Minh. Doanh thu sau gần 20 tập phát sóng phim cũng đạt 31,9 tỷ đồng khi có 435 TVC.
Đỉnh cao của rating quảng cáo phim truyện truyền hình phải kể đến bộ phim “Về nhà đi con”. Phim này có tập rating cao nhất đạt 21,68% tại thị trường Hà Nội. Tính trung bình mỗi tập phim “Về nhà đi con” có 8 phút quảng cáo, nếu là thời lượng 30s, tổng thu của nhà đài sẽ vào khoảng 1,2 tỷ đồng tiền quảng cáo.
Nếu như nhà đài bán 32 quảng cáo 15s thì con số sẽ tăng lên thành 1,44 tỷ đồng. Với cách tính như thế, có thể thấy mỗi tập “Về nhà đi con” mang về cho nhà đài khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng. Khép lại 85 tập phim “Về nhà đi con” đạt 1.781 TVC và thu về 122,6 tỷ đồng (theo báo giá quảng cáo theo TVAD).
Mánh khóe tăng quảng cáo
Phim truyền hình thay đổi và đã phát triển với cả một chiến lược đầu tư từ kịch bản, diễn viên, đạo diễn, bối cảnh đến công nghệ kỹ thuật. Sự phát triển của phim truyền hình gần đây là kết quả của sự đổi mới tổng thể, từ việc làm phim đến cả cách thức truyền thông. Minh chứng cho sự phát triển này chính là hàng trăm tỷ đồng quảng cáo mà mỗi phim thu được. Tuy nhiên, để có được lợi nhuận này, đơn vị làm phim và kênh phát sóng cũng phải đổ mồ hôi, chất xám.
Từng là nhân viên kinh doanh của một kênh truyền hình TP Hồ Chí Minh có trụ sở ở Hà Nội, chị Phạm Thị Hạnh (quận Gò Vấp) cho biết: “Rating là số liệu hiển nhiên phải có khi chào bán quảng cáo hay kêu gọi tài trợ của các nhà đài. Mấy nhãn hàng hay công ty quảng cáo gọi đến để đặt TVC lúc nào cũng hỏi rating các khung giờ đầu tiên. Họ muốn biết với mỗi 1.000 đồng mà họ bỏ ra có thể mua được bao nhiêu người xem. Khi làm kế hoạch cho các chương trình để gọi tài trợ cũng vậy. Rating chính là điều quan trọng hàng đầu mà mấy công ty nhìn vào để cân nhắc” - chị Hạnh chia sẻ.
Chính vì tầm quan trọng của rating mà hầu hết các kênh truyền hình có mặt tại Việt Nam đều phải mua rating. Theo chia sẻ của những người trong nghề, các hãng dịch vụ truyền thông - quảng cáo lớn sẽ mua những gói dịch vụ đo rating cùng lúc nhiều đài. Tùy theo số lượng và thông tin cần thu thập thì giá các gói này từ vài tỷ đồng đến chục tỷ đồng. Với các kênh truyền hình riêng lẻ, để phục vụ nhu cầu của mình, hàng năm, mỗi kênh cũng phải chi hơn một tỷ đồng để biết được rating của kênh mình.
Ngoài ra, bên cạnh cách quảng cáo truyền thống với thời lượng khoảng vài phút giữa phim vẫn được duy trì, phim truyền hình Việt giờ đã đẩy mạnh quảng cáo bằng chính lời thoại và cảnh quay trong phim. Trong phim “Hoa hồng trên ngực trái” khán giả dễ dàng nhìn thấy nhiều xe ô tô, thương hiệu xe nổi tiếng trong những lần “Bảo tuần lộc” - (diễn viên Hồng Đăng) xuất hiện.
Đồng thời, ngay cả trong lời thoại của các diễn viên, khán giả cũng nghe thấy tên các thương hiệu như BMW hay Porsche. Còn trong bộ phim “Về nhà đi con” ngoại truyện, khán giả cũng dễ dàng nhận thấy địa điểm quay phim lời thoại của diễn viên nhiều lần nhắc đến khu du lịch Đại Lải. Rõ ràng, quảng cáo trên phim truyện đang là mỏ vàng được cả đơn vị làm phim và DN khai thác triệt để.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần