Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Quảng cáo sính ngoại và nỗi buồn tiếng Việt] Bài 1: Tự do dựng biển tiếng nước ngoài

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhấp nhô, lộn xộn chữ Hàn, Nhật, Anh viết sai chính tả… đang xuất hiện tràn lan trên các biển hiệu, chăng đầy trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Không ít tòa nhà, khu trung tâm thương mại, khách sạn do các ông chủ là người Việt xây dựng nhưng đều được đặt tên nước ngoài. Ngôn ngữ chính là mặt biểu hiện sinh động nhất, là đặc trưng văn hóa, là niềm tự hào của mỗi quốc gia; trong khi ở Việt Nam những tấm biển quảng cáo, các tên gọi công trình là mặt tiền ngôn ngữ quốc gia lại sính ngoại.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc khảo sát thực tế để cho ra các con số đáng buồn về tình trạng sính ngoại trong ngôn ngữ quảng cáo và công trình. Từ đó lắng nghe lời cảnh báo của các chuyên gia và đi tìm giải pháp quản lý trong thời gian tới của các cơ quan có liên quan.
 Biển quảng cáo chỉ có tiếng Hàn bao lấy 3 mặt tiền của cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú

Một con phố dài chưa đầy 1km, nhưng có tới 72/86 tấm biển quảng cáo tiếng nước ngoài. Đó là một con số thống kê điển hình về biển bảng tiếng nước ngoài trên phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội). Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu diễn ra nhiều năm, sau thời gian xử lý rồi lại bùng phát trở lại, đang trở thành hiện tượng đến mức báo động.
Bùng lên đến mức báo động
Trên địa bàn TP Hà Nội, những con phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Ngân, Linh Lang… luôn tràn ngập biển hiệu, quảng cáo bằng tiếng Anh, Hàn, Nhật… để giới thiệu, quảng bá đủ thứ dịch vụ từ ăn chơi, giải trí, mua sắm, làm đẹp. Qua khảo sát của phóng viên, từ số nhà 22 đến số nhà 122 trên đường Trần Duy Hưng, có 72/86 biển hiệu là tiếng nước ngoài, với các thương hiệu thời trang Elise, Eva de Eva, Vacara, Fomart, Aristino đua nhau dựng biển. Trên phố Xã Đàn, Trần Khát Chân… thay vì cửa hàng bán ba lô thời trang, karaoke Nữ hoàng… thì chủ các cửa hàng lại lựa chọn đặt tên biển hiệu balo online, Queen karaoke rồi Golden Crown karaoke. Con đường Thái Hà dài chừng hơn 2km nhưng cũng hiếm thấy được tấm biển quảng cáo mang tên tiếng Việt. Tại đây chủ yếu là hàng dệt may Việt Nam và mang tên nước ngoài như Genova, Ivy, Canifa…
Ngoài các con phố Hàn, phố Nhật quen thuộc, tại phố Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) cũng vừa xuất hiện hàng loạt các nhà hàng biển hiệu chỉ tiếng Hàn. Thậm chí trên phố Trần Duy Hưng có nhà hàng bị bao quanh bốn bề là tiếng Hàn với tên nhà hàng De Gang Kum. Hàng loạt món ăn tên Hàn được dán kín căn nhà 2 mặt tiền. Lý giải điều này, chủ cửa hàng cho rằng để tiện cho người nước ngoài tìm và còn là chạy theo trào lưu “trông cho nó sang”.
Các biển hiệu quảng cáo này chỉ dùng tiếng nước ngoài hoặc nếu dùng hai ngôn ngữ thì tiếng Việt thường bị lấn át về cỡ chữ.

Không chỉ có ở Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hay Nha Trang… tình trạng loạn biển quảng cáo tiếng nước ngoài đang ở mức báo động, khó kiểm soát. Năm 2018, cư dân mạng đã chụp những tấm hình các khu “phố Tây” của Nha Trang vì toàn biển bảng quảng cáo tiếng Nga và tiếng Trung. Đi qua các con phố như Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Trần Quang Khải, Nguyễn Thị Minh Khai… đều dễ dàng thấy hàng chục bảng, biển dùng màu “nóng” bắt mắt để thu hút du khách Nga, trong đó có rất nhiều biển hiệu và bảng quảng cáo chỉ sử dụng một ngôn ngữ là tiếng Nga.

 Những tấm biển quảng cáo nhấp nhô toàn tiếng nước ngoài mọc lên chi chít ở đường phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú

Không ai quản
Trong vai người có nhu cầu thuê mặt bằng mở cửa hàng quần áo trên phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) chúng tôi tìm đến số nhà 165. Căn nhà 3 tầng, mặt bằng rộng chừng 36m2 được gia chủ sử dụng tầng 2 và 3 làm nơi sinh hoạt. Tầng 1 với diện tích sử dụng khoảng hơn 20m2 đang được gia chủ tìm người thuê mới sau khi cửa hàng mua bán điện thoại di động hết hạn thuê. Trong cuộc thương lượng bàn thảo thuê mặt bằng, ông chủ căn nhà là Nguyễn Mạnh Lân chỉ quan tâm giá thỏa thuận, các điều khoản sử dụng diện tích chung. Còn vấn đề biển bảng cửa hàng mang tên Beautiful Girl hay chuyển sang tiếng Việt là “Gái xinh” hay “Ngọc nữ” thì tùy… chủ shop. Theo ông Lân, trong 10 năm qua, gia đình ông đã cho 5 - 6 người thuê, lúc cửa hàng bán điện thoại, lúc cửa hàng thời trang, khi lại cửa hàng đồ chơi trẻ em, và khi là hàng bán chăn ga gối đệm… Tuy nhiên, chưa có cán bộ địa phương hay ngành văn hóa nào đến nhắc nhở vì tên biển hiệu tiếng nước ngoài hay tiếng Việt.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng biển quảng cáo tiếng nước ngoài đè tiếng Việt là sự buông lỏng quản lý hoặc việc hiểu luật, hiểu quy định viết tắt, viết chữ nước ngoài trên biển hiệu của cán bộ địa phương còn hạn chế. Trong cuộc kiểm tra vấn đề quản lý biển bảng quảng cáo ở các quận, huyện của Đoàn thanh tra TP Hà Nội mới đây, rất nhiều cán bộ phòng Quản lý đô thị, hoặc phòng VH&TT, phòng Kinh tế… những đơn vị liên quan đến cấp phép, quản lý và giám sát biển bảng quảng cáo không nắm được quy định nào giúp địa phương xử lý biển, bảng quảng cáo chỉ dùng tiếng nước ngoài.
Trước tình trạng nhà nhà đua nhau dùng biển hiệu tiếng nước ngoài, nhiều chuyên gia văn hóa chỉ ra, đó là sự đua đòi trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, người ta phải tìm mọi cách để cửa hàng và sản phẩm của mình trở nên nổi bật, vừa đáng sử dụng, đáng nhớ, vừa màu mè đa sắc. Trước hết, chưa nói đến yếu tố thẩm mỹ, văn minh đô thị, các biển hiệu đập vào mắt người đi qua, tạo ấn tượng về thị giác. Theo PGS.TS Vũ Quang Hào – giảng viên Viện Báo chí và Truyền thông – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc hội nhập quốc tế không thể không xảy ra tình trạng giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ. Hiện tượng biển hiệu được ghi bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung... cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đồng nghĩa với việc lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu là giá trị văn hóa, giá trị bản sắc dân tộc ở biển bảng quảng cáo đang ngày càng bị mất đi. (còn nữa)