Quảng Nam: “Vàng tặc” lại chiếm lĩnh Bồng Miêu

CÔNG HUY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng trăm phu vàng với đầy đủ dụng cụ, phương tiện máy móc thay nhau khai thác trái phép tại mỏ vàng “vô chủ” Bồng Miêu bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương. Thực trạng trên khiến tài nguyên quốc gia bị thất thoát và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Vàng tặc” lộng hành
Những ngày đầu tháng 6, trong cái nắng oi ả của mùa hè, chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ hẹp, dốc đá vào khu vực núi Kẽm, mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nơi “vàng tặc” đang lộng hành.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực núi Kẽm, mỏ vàng Bồng Miêu có hàng trăm hố hầm, đồi bãi vàng đang bị khai thác trái phép, công khai. Các lán trại của dựng lên với đủ loại dụng cụ, phương tiện, máy móc phục vụ đào đãi vàng nằm ngổn ngang khắp các hố hầm. “Vàng tặc” ngang nhiên hoạt động, thải chất độc ra môi trường gây nguy hại cho môi trường. Nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, đục ngầu và bốc mùi. Mỏ vàng Bồng Miêu hiện như một đại công trường giữa cao điểm mùa dịch. Việc khai thác vàng ở đây rất đơn giản, dùng sức người thủ công. Đất đá được đưa vào máy nổ để xay nhuyễn rồi ngâm hóa chất để lọc tuyển vàng.

Hoạt động khai thác vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu diễn ra công khai.

Các phu vàng làm việc tại đây đa số là dân tứ xứ, ngoài tầm quản lý của địa phương. Anh Bùi Văn Bảo (35 tuổi, quê huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) tâm sự, dù biết khai thác vàng rất là độc hại, hằng ngày tiếp xúc với các hóa chất độc hại như thủy ngân, cyanua nhưng do dịch bệnh thất nghiệp nên phải vào đây làm việc. “Tôi được giới thiệu vào đây làm việc với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng. Năm trước tôi làm được 8 tháng rồi về ăn Tết cùng gia đình. Hiện mới vào khai thác trở lại được 1 tháng nay”, anh Bảo nói.
Một phu vàng khác cho biết, đa số các hầm vàng của công ty vàng Bồng Miêu bỏ lại đều được tận dụng để khai thác. Làm việc trong hầm sau hàng trăm mét, thiếu oxy, lại hít khí dầu nhớt của máy nổ sẽ gây hại cho sức khỏe nhưng phải chấp nhận làm kiếm ít vốn về chứ ở quê khổ quá.
Theo tìm hiểu, năm 2005, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác và giấy phép hết hạn vào năm 2016. Sau đó, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng cửa mỏ vàng, nhưng đến nay chưa thực hiện. Kể từ đó, các đối tượng “vàng tặc” đã xâm nhập vào khu vực khai thác của công ty này trước đó để khai thác vàng trái phép, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương.  
Một hầm khai thác vàng trái phép.
Ông Nguyễn Thế Vinh- Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, mỗi năm chính quyền huyện Phú Ninh chi hàng tỉ đồng bảo vệ mỏ vàng, đẩy đuổi, truy quét người làm vàng trái phép. Một năm trở lại đây, công việc này được bàn giao cho công an xã Tam Lãnh. Mỗi tuần đều tổ chức truy quét, tuy nhiên lực lượng quá mỏng nên việc đẩy đuổi truy quét gặp nhiều khó khăn, đâu cũng vào đó. Vì vậy hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra “sôi nổi” hơn bao giờ hết.
“Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ thêm lực lượng để đẩy mạnh truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”, siết chặt quản lý tình trạng khai thác vàng. Bên cạnh đó, tuyên truyền tác hại của việc khai thác vàng đối với môi trường sống, xây dựng các phương án giải quyết việc làm cho người dân địa phương, phát triển thâm canh rừng, trồng các loại cây gỗ lớn, cây ăn quả để phát triển kinh tế cho người dân. Từ đó, giảm thiểu tối đa việc người dân đi làm vàng”, ông Vinh nói.
Chậm đóng cửa mỏ vàng, người dân gánh chịu hệ lụy

Năm 2017, Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt kế hoạch đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với tổng số tiền lên đến gần 19 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền Công ty vàng Bồng Miêu ký quỹ chỉ 6 tỉ đồng. Vẫn còn thiếu hơn 12 tỉ đồng để triển khai đề án đóng cửa mỏ và xử lý vấn đề môi trường.
Đã 5 năm trôi qua, đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu vẫn chưa được triển khai thực hiện  khiến người dân và chính quyền sở tại rất bức xúc. 
Ông Nguyễn Thế Vinh- Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho hay, việc mỏ vàng Bồng Miêu chưa đóng cửa dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, và không đảm bảo an ninh trật tự đại phương.
Lán trại của những người khai thác vàng trái phép.
“Nhiều đối tượng là tội phạm bỏ trốn lên đây để khai thác vàng. Tình trạng tranh giành lãnh địa thường xuyên dẫn đến mất an ninh trật tự. Đối với người dân ở đây, họ không có công việc ổn định thì sẽ quay lại khai thác vàng là điều khó tránh khỏi nên rất mong các cấp sớm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu thu hồi 385 ha đất, cấp phép cho doanh nghiệp nào đó đủ năng lực để khai thác và quản lý”, ông Vinh nói.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Xuân Chính - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Cần thiết thì cấp phép cho doanh nghiệp nào đó đủ năng lực để khai thác để phát huy hiệu quả kinh tế. Nếu không thì sẽ thu hồi đất bàn giao lại cho xã quản lý nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, do dịch bệnh Covid-19 nên thời gian qua Bộ Tài nguyên -Môi trường chưa làm việc trực tiếp với tỉnh được. Nếu đề án đóng cửa mỏ vàng này sớm sẽ chống vàng tặc, bảo vệ môi trường.

Ngày 5/3/1991, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư có Quyết định số 140/QĐ cấp phép cho Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu tổ chức thăm dò và khai thác mỏ vàng Bồng Miêu theo quy mô lớn, trong thời hạn 25 năm, trên diện tích 365ha; chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2006. Đến cuối năm 2013, Công ty vàng Bồng Miêu thông báo làm ăn thua lỗ, tạm ngưng hoạt động do sản xuất kém hiệu quả.
Năm 2014, công ty vàng này bị cục thuế Quảng Nam phong tỏa tài khoản để thu hồi nợ thuế. Năm 2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thông qua nghị quyết về phương án phá sản đối với Công ty vàng Bồng Miêu. Riêng số tiền nợ thuế hơn 100 tỷ đồng của Công ty vàng Bồng Miêu cũng không có khả năng thu hồi.