Thị trường bất động sản Quảng Ngãi cần được trợ lực

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng loạt DN, dự án bất động sản (BĐS) ở Quảng Ngãi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều khó khăn, thách thức
Từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh của nhiều DN ở Quảng Ngãi bị ảnh hưởng lớn. Đặc biệt lĩnh vực BĐS, nhiều DN có dự án ở Quảng Ngãi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức .
 Phổi cảnh một dự án khu dân cư ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Khảo sát thị trường BĐS tại Quảng Ngãi, nhiều DN đánh giá, các giao dịch đang bị ngưng trệ và rất khó phục hồi trong thời gian ngắn. Trong khi cuối năm 2019, các ngân hàng đã thắt chặt tín dụng, đầu năm 2020 lại gặp thêm đại dịch Covid-19, khiến thị trường BĐS gần như "đóng băng".
Giới kinh doanh BĐS nhận định, thị trường trong quý I/2020 vô cùng trầm lắng. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến các chủ đầu tư và sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn hoạt động mở bán dự án. Khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, dẫn đến tình trạng thị trường BĐS gần như bị tê liệt.
Theo ông Trần Ngọc Thái - Giám đốc Khối đầu tư của Công ty CP Đất Xanh Miền Trung, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến đơn vị này. Trong đó, công tác bán hàng sự kiện không triển khai được, thu hồi công nợ chậm và không thu được; các công trình thi công tại các dự án bị chậm lại. Bên cạnh đó, hàng hóa trang thiết bị nội, ngoại thất nhập từ nước ngoài bị ngừng thông quan nên các hoạt động khai trương, khởi công, tiến độ thực hiện dự án… đều trì trệ.
Dịch Covid -19 khiến các DN càng lớn sẽ càng gặp khó khăn và chịu tác động nhiều hơn. Hầu hết các DN còn hoạt động đều đang gồng mình chịu đựng để vượt qua khó khăn này. Còn đối với các DN BĐS khi mà thị trường đã chậm thanh khoản, giá trị giảm từ quý II/2019 đã là một thách thức thì nay thách thức thêm bội phần.
“DN ví như một người lúc trước đang phải gồng gánh trên mình chỉ 50kg thì nay cũng từng đó sức lực hoặc thậm chí yếu hơn, nhưng phải gánh đến cả 80kg hay 100kg, thì thời gian chịu đựng sẽ có giới hạn”, ông Thái chia sẻ.
Do đó, để phục hồi hoạt động và vượt qua giai đoạn khó khăn này, Đất Xanh Miền Trung đã triển khai hình thức bán hàng trực tuyến, giảm thiểu tối đa nguồn nhân lực và tinh gọn bộ máy nhân sự hỗ trợ bán hàng.
Cùng quan điểm trên, nhiều DN BĐS cũng cần ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, kéo dài thời gian gia hạn nợ, giãn nợ các khoản vay, điều chỉnh lãi suất cho vay mới để DN có thể đầu tư dự án mới, mua nguyên liệu, phát triển sản xuất…
Cần trợ lực
Chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng nghìn DN của Quảng Ngãi khó khăn, trong số đó có nhiều DN đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, hiện toàn tỉnh có 262 DN chi nhánh được thành lập, với tổng vốn đăng ký kinh doanh đạt hơn 808 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, trong khi DN ngừng hoạt động, giải thể… tăng lên. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, tình trạng DN phá sản sẽ gia tăng mạnh. Thế nên, trước mắt DN rất cần được "bơm vốn" để duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Mới đây, Chính phủ quyết định triển khai gói hỗ trợ DN nhằm giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, điều DN mong muốn trong lúc này là chính sách cần được thực thi kịp thời, hỗ trợ đúng đối tượng và tránh tình trạng trục lợi chính sách.
 DN cần được trợ lực để vượt qua khó khăn. (Ảnh minh họa).
Theo ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết các DN, trong đó có DN BĐS đều đang gặp khó khăn về vay vốn và trả lãi ngân hàng. Trong điều kiện đó, tỉnh cũng đã có chỉ đạo các ngân hàng quan tâm, tạo điều kiện để DN vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.
Theo ông Phiên, về tín dụng, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động tái cơ cấu nợ, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất khoản nợ cũ, hạ lãi suất khoản vay mới cho các DN chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19. Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh cũng đang thực hiện giải pháp hỗ trợ tín dụng cho DN theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương đang xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, nhất là DN nhỏ và vừa, tỉnh mong muốn Chính phủ sớm triển khai gói tín dụng hỗ trợ DN để địa phương có cơ sở thực hiện.
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ làm hết trách nhiệm trong việc lựa chọn đúng đối tượng hỗ trợ, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; cải cách quy trình, thủ tục để DN có thể tiếp cận sớm nhất gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ.
Với BĐS, để DN hoạt động trong lĩnh vực này hồi sinh và phát triển tốt hơn, thì không chỉ cần các biện pháp hỗ trợ về tín dụng, lãi suất… mà trước hết, thị trường cần được bảo đảm ổn định, đồng nghĩa với việc kiểm soát tốt dịch bệnh không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Về những giải pháp cụ thể, mỗi địa phương, trong đó có Quảng Ngãi, cần vận dụng một cách kịp thời, đúng đắn và nhanh chóng các quy định, nghị đinh mới của trung ương liên quan đến BĐS nói riêng, đến DN nói chung. Nhất là các quy định về chuẩn bị dự án, đấu thầu, các thủ tục hành chính khác.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng cần sớm ban hành khung giá đất ổn định từ 3 đến 5 năm như các địa phương khác, để DN có thể tính toán dài hơi, đầu tư chiến lược, tránh tình trạng ăn xổi, lướt sóng, và hậu quả là thị trường phát triển không ổn định, thiếu tính bền vững như thời gian qua.