Quảng Ngãi: "Bóng đen" nợ nần bao phủ làng biển

Ngọc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, tàu lớn đóng ồ ạt cùng nhiều nguyên nhân khác đã đẩy ngư dân của xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vào cảnh khốn khổ, nợ nần. Ngôi làng biển trù phú năm nào giờ đang thấp thỏm hàng ngày vì “bóng đen” vỡ nợ.

Anh Lê Văn Trọng hiện phải đóng cửa cơ sở đan vá lưới và rao bán nhà để trả nợ.
Anh Lê Văn Trọng (thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) được biết đến là người làm kinh tế giỏi khi vừa sở hữu tàu đánh bắt cá trên biển, vừa mở cơ sở đan vá lưới với vài chục lao động trên đất liền. Nhưng sau thời gian tàu cá làm ăn thua lỗ, hiện tại anh Trọng phải rao bán nhà để trả nợ, cơ sở đan vá lưới đóng cửa trong sự ngỡ ngàng của không ít người.
Chị Nguyễn Thị I-Va cho biết: “Anh Trọng trước kia làm ăn được lắm, là Mạnh Thường Quân hào phóng trong các hoạt động xã hội của địa phương. Bây giờ thì thế này đây… Nghĩa An khác xưa lắm, không chỉ riêng anh Trọng đâu, giờ đi đâu cũng nghe người này nợ người kia làm ăn thua lỗ. Nhiều người đã đi khỏi địa phương để chạy trốn chủ nợ, số còn lại cũng đang lao đao”, chị I- Va chua xót.
Còn bà Trần Thị Bé chia sẻ: “2 cha con theo tàu đi từ đầu năm tới giờ, ra tận miền Bắc, giờ về trong tay có vài đồng bạc lẻ. Thằng con còn tiền đi mua đôi dép. Biển mất mùa nên chủ tàu không có để mà trả cho thuyền viên”.
Nhiều tàu cá neo bờ, ngừng hoạt động.
Qua tìm hiểu được, nguyên nhân chính của việc làng chài bị nợ nần chồng chất là do ngư dân ồ ạt vay tiền để đóng tàu công suất lớn, giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi đó, lượng cá cạn kiệt, thiếu nhân lực lao động nên làm ăn không hiệu quả, nợ “chồng” nợ. Thêm vào đó, quá nửa số phương tiện đánh bắt hải sản của xã Nghĩa An là nghề giã cào. Khi có chính sách cấm ngành nghề này hoạt động đã làm không ít ngư dân “ngắc ngoải” vì không đủ kinh phí để chuyển đổi sang ngành nghề mới, thủ tục chuyển đổi lại rườm rà. Nhiều người đã rời bỏ địa phương đi nơi khác.
Nghĩa An là nơi có đội tàu hùng hậu nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi với ngành nghề truyền thống khai thác hải sản có từ lâu đời. Nơi đây khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt vói tổng công suất hàng trăm ngàn mã lực. Thời điểm thuận lợi, làng chài làm ăn khấm khá, nhiều ngôi nhà khang trang tiền tỷ cất lên trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, Nghĩa An đã có nhiều biến chuyển theo chiều tiêu cực. Dọc theo trục đường chính trong xã, nhiều ngôi nhà cửa khóa trong thời gian dài. Những chiếc tàu im lìm trong bến không có người thừa nhận. Có con tàu hoàn thành đã 2 năm vẫn chưa một lần xuống nước.
Vào năm 2018, ngư dân Nghĩa An đã có đơn tập thể nhờ can thiệp với ngân hàng để giãn nợ.

Theo bà Võ Thị Lệ Thu - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, tình trạng ngư dân “vỡ nợ” diễn ra trong khoảng 2 năm trở lại đây. Trước đó, năm 2018, ngư dân đã có đơn gửi cấp chính quyền can thiệp để được giãn nợ.

“Năm nay người dân tiếp tục gửi đơn, xã cũng đã báo cáo UBND TP để có hướng giải quyết cho người dân”, bà Thu nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cũng cho biết: “Năm ngoái lãnh đạo TP đã có trả lời, quan hệ giữa ngân hàng và ngư dân là quan hệ dân sự nên chính quyền rất khó can thiệp. Hiện tại đời sống của nhiều ngư dân đang rất khó khăn và cũng chưa  được nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào”.

Theo ước tính, Nghĩa An có khoảng 400 gia đình sẽ mất nhà vì thế chấp ngân hàng và vay nóng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần