Quảng Ngãi: Đất thải nông nghiệp “làm khó” huyện đảo

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã quy hoạch 26 vị trí đổ đất thải nông nghiệp có tổng diện tích hơn 3.300m2, nhưng với đặc thù sản xuất nông nghiệp ở huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), chỉ sau thời gian ngắn, các vị trí đổ đất thải này đã được lấp đầy. Hiện chính quyền địa phương đang loay hoay tìm cách xử lý…

Anh Phạm Chí Cường (thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) cho biết: “Muốn hành, tỏi cho năng suất và chất lượng cao thì cứ sau 1 năm phải bỏ lớp đất cát cũ ở mặt ruộng, thay vào đó là lớp mới. Tập quán bao lâu nay ở đây là vậy. Nếu không thay lớp đất cát đó đi thì hành, tỏi đều giảm năng suất”.
 Theo tập quán canh tác, cứ mỗi năm hoặc sau mỗi vụ hành, tỏi, lớp đất cát bề mặt sẽ được thay thế.
Bởi tập quán này trong sản xuất nông nghiệp nên mỗi năm hoặc sau mỗi mùa vụ người dân phải thay lớp cát cũ dày khoảng 0,5cm - 1cm bằng lớp cát mới, lớp cát thay ra được đổ bỏ, không sử dụng. Ước tính mỗi năm, có đến hàng chục nghìn mét khối đất cát trên đảo Lý Sơn bị thải ra.
Qua tìm hiểu được biết,  các vị trí đổ đất thải hiện đã quá tải, cộng với thói quen “tiện đâu đổ đấy" của không ít hộ dân trồng hành, tỏi nên đi dọc trên những tuyến đường qua các cánh đồng, không khó để bắt gặp những đống đất thải lớn, nhỏ do người dân đổ ra ngoài đường sau khi cào bỏ thay đất mới để trồng hành, tỏi. 
 Nhiều tuyến đường ở Lý Sơn bị đất thải nông nghiệp ''chiếm cứ''.
“Việc đổ đất thải như thế này làm cho lòng đường thu hẹp, không đảm bảo an toàn giao thông. Hơn nữa nhìn nhếch nhác, mất mỹ quan”, anh Nguyễn Ngọc - một du khách đến từ Huế cho hay.
Được biết, thời gian qua, huyện Lý Sơn đã quy hoạch 26 vị trí đổ đất thải nông nghiệp với diện tích hơn 3.300m2, trong đó, xã An Hải 18 điểm và xã An Vĩnh 8 điểm. Theo tính toán của chính quyền Lý Sơn, ước tính mỗi năm lượng đất thải phải thu gom, vận chuyển đến vị trí đổ đất thải của huyện khoảng 10.200m3. Trong khi đó, diện tích đảo nhỏ hẹp nên tại các vị trí quy hoạch đổ đất thải hầu như đã lấp đầy, nhưng hàng năm, để sản xuất nông nghiệp, người dân vẫn phải lấy cát trắng từ ngoài biển vào.
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận: Huyện đang gặp khó trong việc xử lý đất thải cũng như tìm kiếm khu vực đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Theo bà Hương, thời gian qua, người dân trên đảo đã nhiều lần có ý kiến và đề xuất cho dân đổ đất thải trực tiếp xuống biển để giảm thiểu tình trạng đổ ra môi trường xung quanh cũng như đổ ra lòng, lề đường, gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và hành lang an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Đồng thời, đây cũng được cho là cách để có lượng cát tái tạo, khai thác.
“UBND huyện Lý Sơn đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, xin ý kiến tham vấn về việc đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp xuống biển để có cơ sở trả lời cho người dân. Đồng thời, huyện cũng kiến nghị Sở quan tâm, hướng dẫn địa phương các quy trình, thủ tục cần thiết trong việc xử lý đất thải nông nghiệp theo phương án đổ thải xuống biển theo đúng quy định”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần