Quảng Ngãi: Đổi mới tư duy, khơi dậy tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021 được dự báo có dấu hiệu khởi sắc, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm đổi mới, bứt phá trong phát triển kinh tế, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo nên bức tranh kinh tế của tỉnh thêm nhiều gam màu sáng, làm tiền đề tăng trưởng cho giai đoạn 2021 - 2025. Trong những ngày đầu năm mới, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có buổi phỏng vấn với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh.

 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh.
Thưa ông, cùng với các địa phương khác trong cả nước, Quảng Ngãi đã trải qua một năm nhiều biến động. Trong bối cảnh vừa chống dịch Covid-19, vừa tập trung phát triển kinh tế, Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả gì trong năm 2020 vừa qua?

- Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ngãi về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, đây cũng là năm tình hình trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp và Quảng Ngãi bị ảnh hưởng lớn trước tác động kép bởi đại dịch Covid-19, giá dầu thô giảm mạnh; thời điểm cuối năm chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ.
Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế thấp nhất những tác động đến phát triển kinh tế, xã hội; quyết liệt, kịp thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng Nhân dân, huy động nguồn lực hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão, lũ gây ra. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, có 19/26 chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 và 19/25 chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020 đạt, vượt kế hoạch. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quy mô tổng sản phẩm tăng khá; hạ tầng kinh tế - xã hội cũng có bước phát triển đáng kể.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 4,93%/năm, nếu không tính sản phẩm lọc dầu thì tăng bình quân 8,5%/năm; GRDP năm 2020 gấp 1,36 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.845 USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.300 triệu USD, gấp 3,3 lần so với năm 2015; thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng.
Những năm qua, Quảng Ngãi đã có nhiều chính sách và giải pháp khơi dậy nguồn nội lực và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Nhờ đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2016 - 2020 đạt gần 150.000 tỷ đồng; đã cấp phép đầu tư cho 565 dự án với tổng vốn đầu tư 193.890 tỷ đồng.
Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị đạt nhiều kết quả quan trọng; chú trọng cải cách hành chính; môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư từng bước được cải thiện, có mặt chuyển biến tích cực. Hoạt động thương mại, dịch vụ không ngừng được mở rộng, nhất là phát triển du lịch. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; sự nghiệp y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trong chuyến thị sát một công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi.
Trong những năm gần đây, dù đã có nhiều cố gắng nhưng tốc độ phát triển của Quảng Ngãi vẫn còn khoảng cách nhất định so với một số tỉnh, thành khác trong khu vực miền Trung. Xin ông cho biết nguyên nhân của tình trạng này?
- Mặc dù đạt được nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, tuy nhiên Quảng Ngãi vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể như một số chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra; Việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chưa toàn diện, kết quả chưa như mong muốn; Thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở vị trí thấp so với các địa phương trong cả nước; Quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường còn nhiều thiếu sót, hiệu quả chưa cao; Phát triển văn hóa chưa đồng bộ với phát triển kinh tế; Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở miền núi còn khó khăn.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do nội lực kinh tế của tỉnh còn yếu, nhiều địa phương trong tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn; kinh tế của tỉnh phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất lọc hóa dầu; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao để đầu tư cơ sở hạ tầng; năng lực và nguồn lực của một số doanh nghiệp được cấp phép đầu tư thấp, triển khai đầu tư cầm chừng, nhỏ giọt; nhiều dự án vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Có thể nói rằng, bên cạnh việc ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá dầu thô giảm mạnh đã tác động lớn đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020, thì nguyên nhân chính của việc Quảng Ngãi “chậm” hơn các tỉnh, thành trong khu vực vẫn là ở trách nhiệm, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh chưa theo kịp yêu cầu tình hình thực tiễn; một bộ phận cán bộ, người đứng đầu chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, có việc thiếu nêu gương; một số chính sách chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
 Cầu Cổ Lũy- Cây cầu hiện đại nhất Quảng Ngãi.
Bước sang năm 2021, cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Ngãi sẽ tập trung vào những giải pháp gì để “xốc” lại nền kinh tế và vươn lên thành tỉnh khá của miền Trung như mục tiêu Nghị quyết đã đề ra?

- Khép lại năm 2020 đầy biến động, năm 2021, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, là thời cơ để Quảng Ngãi phát triển nhanh, tiến vững chắc, tạo nên bức tranh kinh tế thêm nhiều gam màu tươi sáng. Việc quan trọng lúc này là phải đổi mới tư duy, khơi dậy tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững
Để đạt được mục tiêu đề ra, Quảng Ngãi sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giai đoạn 2021 - 2025 là huy động, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực xã hội; bố trí vốn đầu tư công hợp lý; rà soát, bãi bỏ và thay thế các cơ chế, chính sách không còn phù hợp, làm cản trở sự phát triển...
Cụ thể, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch, trong đó triển khai hoàn thành ngay quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế Dung Quất. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động tiếp xúc, kết nối với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đặc biệt, chúng tôi tích cực, tập trung hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư sớm hoàn thành các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa. Chủ động theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, nhất là các mặt hàng, nhóm hàng, ngành hàng đang có lợi thế về nguyên vật liệu, thị trường, chủ động các giải pháp khắc phục khó khăn trong trường hợp dịch Covid-19 tái bùng phát.
Quảng Ngãi cũng sẽ thực hiện nhiều giải pháp khác như: Thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu, đặc biệt là phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới; Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; tăng cường xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa thế mạnh, chủ lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt mức 1.400 triệu USD. Bên cạnh đó, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để tiếp cận nhanh, kịp thời, có hiệu quả các dự án FDI đang có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam. Khẩn trương khơi thông các điểm nghẽn để khai thác nguồn lực từ quỹ đất cho đầu tư phát triển trong năm 2021.
Tỉnh cũng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, các công trình trọng điểm, tạo động lực; Triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người nông dân. .
Đáng chú ý, chúng tôi xác định, năm 2021, phương thức chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh sẽ thay đổi mạnh mẽ nhằm đẩy lùi và xóa bỏ những trì trệ tồn tại lâu nay. Trong đó, từng đồng chí ủy viên UBND tỉnh phải gắn trách nhiệm của mình đối với ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của ngành nào thì ngành đó phải giải quyết kịp thời. Không thể có chuyện nội dung, thẩm quyền của sở, ngành mà đẩy lên cho lãnh đạo UBND tỉnh để “giữ mình an toàn”.  
Với khát vọng đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung vào năm 2025, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định quyết tâm chính trị cao nhất, đoàn kết trong tập thể, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cộng với sự chung sức đồng lòng của Nhân dân, tin tưởng rằng kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ có sự phát triển nhanh, bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao, quê hương núi Ấn, sông Trà ngày càng giàu đẹp.
Xin cảm ơn ông!