Quảng Ngãi giải cứu biển Sa Cần

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 2 thập kỷ chìm trong rác thải, hình ảnh người dân làng chài ra cửa hóng mát, chơi đùa thâu đêm chỉ còn trong ký ức. “Tử tế với Sa Cần” là chiến dịch do một nhóm tình nguyện viên ở Quảng Ngãi thực hiện nhằm cứu biển Sa Cần khỏi sự bức tử của ô nhiễm.

Giải quyết vấn đề từ gốc
Cửa Sa Cần (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) sở hữu vẻ đẹp thiên phú. Thiên nhiên đã khéo sắp đặt Hòn Bà, Hòn Ông và Hòn Trà dọc cửa sông, tạo nên cảnh vật non nước hữu tình níu chân khách lạ.
Nhưng hơn 20 năm qua, Cửa Sa Cần đã bị bức tử bởi rác thải. Sa Cần là hạ nguồn sông Trà Bồng, là bãi đáp của 4 nguồn rác chính: Rác từ hộ dân thải ra; rác từ biển tấp vào; rác người dân hai bên lưu vực sông Trà Bồng thải ra, trôi đến; rác thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ (nuôi cá, nuôi tôm, nhà hàng nổi, dịch vụ hậu cần nghề cá, rác thải nông nghiệp theo các kênh mương chảy ra sông Trà Bồng...
 Biển Sa Cần bị ô nhiễm nặng nề.
Xót thương Sa Cần, một nhóm các bạn trẻ đã thành lập dự án “Tử tế với Sa Cần”. Anh Huỳnh Văn Thương - một trong những thành viên điều hành dự án chia sẻ: “Dự án được thực hiện nhằm giải quyết phần gốc của ô nhiễm, từng bước tuyên truyền cho bà con và cách thức tại nguồn, tìm hướng thu gom xử lý rác, tận dụng tối đa lợi ích từ rác như làm phân hữu cơ, thu gom rác tái sử dụng bán gây quỹ. Còn dọn rác chỉ là phần ngọn của vấn đề”.
Dự án được thực hiện từ 1/7/2019 - 31/8/2019 với nhiều nội dung như: Lập quỹ “Tử tế với Sa Cần” trị giá 100 triệu đồng để duy trì hoạt động cải tạo môi trường về sau; vận động kinh phí để tặng thùng rác cho người dân, đặt thùng rác dọc bờ biển, in tài liệu hướng dẫn phân loại rác, trồng cây xanh…
Qua gần 1 tháng triển khai, dự án đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng rất tích cực từ cộng đồng. Ngày càng có nhiều thành viên đăng ký tham gia để cùng chia sẻ các phần việc.
Chị Nguyễn Thị Bích Tâm - một thành viên nhóm “Tử tế với Sa Cần” cho biết: “Về đây tận mắt thấy cảnh ô nhiễm, rác ngập tràn bờ biển mà thương người dân quá. Mong qua dự án này sẽ có nhiều sự chung tay , chứ bà con thì cũng chỉ làm được ít thôi, không thể xử lý hết được rác".
Hiện tại dự án đang tập trung huy động huy động 400 thùng rác, 400 cây xanh, 400 giờ dọn rác ở cửa biển Sa Cần. Đường đi của dự án là cố gắng hình thành thói quen, định hình trong cộng đồng về phân loại rác tại chỗ, đổ đúng nơi quy định, hạn chế dùng đồ nhựa, chung tay bảo vệ môi trường.
 Người dân tham gia dọn rác.
Sức lan tỏa từ dự án
Dự án “Tử tế với Sa Cần” như “gãi đúng chỗ ngứa” của nhiều người dân. Trong đó điển hình là chị Đỗ Thị Nga. Là một người dân ở thôn Hải Ninh, nhận thấy đã đến lúc phải có hành động cụ thể để bảo vệ bờ biển, chị Nga đã thuê xe máy đào, phục vụ nước uống, và cùng hàng trăm người dân ở khu dân cư Đông Thành 2 đều cùng chị Nga tham gia dọn rác bãi biển.
Chỉ trong vòng 7 ngày (từ 17/7- 24/7), người dân thuộc khu dân cư Đông Thành 2 (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) đã dọn sạch gần 2km rác bãi biển Sa Cần. 
 Rác đóng dày thành nhiều lớp trên bãi biển.
Anh Nguyễn Thanh Dũng (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh) chia sẻ: “Rác đóng dày thành nhiều lớp, phải dùng xe đào để cào rác từ dưới lớp cát lên, dày chừng nửa mét, chủ yếu là rác thải nhựa, túi nilon. Xe đào đi đến đâu, người dân vác bao đi theo đến đó để thu dọn rác. Cát sau khi đào lên sẽ san bằng trở lại".
“Vì không có kinh phí để vận chuyển đến nơi xử lý rác nên bà con đã thống nhất là chôn tại chỗ”, anh Dũng cho biết.
Ông Lê Văn Sơn (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh) bày tỏ: “Người dân rất mừng vì rác đã được dọn, trả lại bãi biển đẹp như trước”.
 Gần 2km bờ biển Sa Cần đã được người dân dọn sạch.
“Hành động dọn rác của người dân chính là hoạt động cộng hưởng của dự án. Điều này cho thấy người dân Sa Cần đã đồng sức, đồng lòng cùng nhau “chống rác thải nhựa”.
Rất mong người dân ở hai bên lưu vực sông Trà Bồng gồm các xã của huyện Trà Bồng và huyện Bình Sơn hãy hướng về Sa Cần, hãy nghĩ đến "nỗi đau" của Sa Cần mà đồng loạt hành động “chống rác thải nhựa” để trả lại bãi cát trắng, hàng muống biển xanh rì, uốn lượn qua eo biển Sa Cần”, anh Thương chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần