Quảng Ngãi: gõ cửa từng nhà, gom dữ liệu nông thôn
Kinhtedothi-Từ đầu tháng 7, Quảng Ngãi đồng loạt ra quân thực hiện cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025. Dữ liệu thu thập lần này sẽ là cơ sở quan trọng cho hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn phù hợp với giai đoạn mới, đặc biệt sau khi địa phương mở rộng địa giới hành chính.
Đẩy mạnh công nghệ, bao phủ toàn diện
Cuộc tổng điều tra năm 2025 tập trung vào các đơn vị tham gia sản xuất nông, lâm, thủy sản như: hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền cấp xã. Điều tra viên sẽ đến tận hộ gia đình để thu thập 10 nhóm thông tin cốt lõi: từ nhân khẩu, lao động, sử dụng đất, cây trồng - vật nuôi, tài sản sản xuất đến dịch vụ nông nghiệp, thu nhập, hạ tầng và môi trường sống. Với các hộ điều tra mẫu, còn bổ sung các yếu tố về hỗ trợ sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường và tính bền vững.

Cuộc tổng điều tra diễn ra trong vòng 1 tháng từ ngày 1 - 30/7/2025.
Không chỉ mở rộng quy mô, Tổng điều tra 2025 tại Quảng Ngãi còn áp dụng công nghệ thu thập dữ liệu hiện đại bằng thiết bị di động thay cho phiếu giấy, giúp tăng tốc độ xử lý, giảm sai sót và tiết kiệm nhân lực.
Ông Nguyễn Ngọc Phong (điều tra viên xã Sa Thầy, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Trước đây ghi phiếu giấy rồi nhập lại rất mất thời gian. Giờ chỉ cần thu thập bằng thiết bị di động, đồng bộ trực tiếp về máy chủ, tiện lợi và chính xác hơn nhiều”.
Với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉnh đã huy động hơn 2.800 điều tra viên tham gia, trong đó tại khu vực miền núi phía Tây (nơi địa hình phức tạp, dân cư phân tán), lực lượng chủ yếu là cán bộ thôn, người địa phương am hiểu tập quán và ngôn ngữ dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả tiếp cận và chất lượng dữ liệu.

Chị Nguyễn Thị Minh Diên (điều tra viên xã Phước Giang, tỉnh Quảng Ngãi) cho hay: “Do sống cùng cộng đồng nên tôi linh hoạt chọn giờ đến điều tra, tranh thủ sáng sớm hoặc chiều muộn. Nếu bà con đi làm cả ngày, tôi đến vào buổi tối để kịp thu thập thông tin đầy đủ”.
Tại những vùng thuận lợi như xã Phước Giang, sự phối hợp từ người dân cũng giúp đẩy nhanh tiến độ. Ông Nguyễn Trung Quý chia sẻ: “Nhà nước làm việc gì có ích cho dân thì mình ủng hộ. Điều tra viên hỏi gì, tôi trả lời rõ ràng, đúng thực tế”.
Dữ liệu chiến lược cho giai đoạn phát triển mới
Không chỉ là cuộc khảo sát mang tính thống kê, Tổng điều tra lần này là cơ sở quan trọng để đánh giá toàn diện thực trạng sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đời sống cư dân nông thôn và xu hướng chuyển đổi trong bối cảnh mới. Những số liệu thu thập sẽ phục vụ trực tiếp cho việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Cuộc Tổng điều tra lần này là cơ sở quan trọng để đánh giá toàn diện thực trạng sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đời sống cư dân nông thôn và xu hướng chuyển đổi trong bối cảnh mới.
Chi cục trưởng Chi cục Thống kê Quảng Ngãi Võ Thành Nhân khẳng định: “Chúng tôi đã chủ động phối hợp với các địa phương, tăng cường nhân lực, đảm bảo tiến độ thu thập và kiểm tra dữ liệu trước ngày 30/7. Mục tiêu là đảm bảo dữ liệu chính xác, đầy đủ, phục vụ tốt cho việc phân tích và ra quyết sách”.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra này, năm 2024, Chi cục Thống kê cũng đã tổ chức tập huấn cho điều tra viên. Đồng thời, khi sáp nhập tỉnh, đơn vị bố trí lực lượng thành viên cùng với điều tra viên về cơ sở để kịp thời xử lý các việc phát sinh.

Các điều tra viên đã được tập huấn kiến thức trước khi bắt đầu cuộc Tổng điều tra.
Sự thay đổi địa giới hành chính khiến Quảng Ngãi không chỉ rộng hơn mà cũng đa dạng hơn về địa hình, dân cư, điều kiện sản xuất. Do đó, đòi hỏi dữ liệu điều tra lần này phải sát thực, có chiều sâu để làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển từng vùng miền một cách phù hợp, hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung nhìn nhận: “Tổng điều tra sẽ giúp chúng tôi có cái nhìn đầy đủ về cơ cấu sản xuất, trình độ cơ giới hóa, mức độ tiếp cận công nghệ và nhu cầu hỗ trợ của người dân. Từ đó ngành sẽ đề xuất các chính sách bền vững, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa - nơi đang rất cần sự đầu tư bài bản”.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó, phát huy thế mạnh địa phương và ứng dụng công nghệ hiện đại, cuộc Tổng điều tra Nông thôn, Nông nghiệp năm 2025 tại Quảng Ngãi đang được thực hiện bài bản, sát sao và hiệu quả. Dữ liệu thu thập được không chỉ phản ánh thực trạng mà còn góp phần định hình tương lai cho một nền nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững - đúng như kỳ vọng của người dân và chính quyền tỉnh nhà.

GRDP Quảng Ngãi 6 tháng tăng kỷ lục, dẫn đầu cả nước
Kinhtedothi - Tỉnh Quảng Ngãi dẫn đầu cả nước trong danh sách tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay với mức tăng ấn tượng 11,51%. Riêng tỉnh Quảng Ngãi cũ, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,4%, đứng thứ hai cả nước trong số 63 tỉnh, thành (cũ).

Sở hữu 640 sản phẩm OCOP, Quảng Ngãi tập trung nâng hạng và mở rộng thị trường
Kinhtedothi-Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi có 640 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao còn hiệu lực, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Địa phương đang chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, hướng đến phát triển chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Danh sách nhân sự đứng đầu các sở, ngành của Quảng Ngãi sau sáp nhập
Kinhtedothi - Chiều 1/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ.