Quảng Ngãi họp tìm giải pháp “cứu” cây mía

NGHIÊM HÀ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi họp tìm giải pháp định hướng vùng mía nguyên liệu trước thực trạng giá mía nguyên liệu thấp, người dân trồng mía bị thua lỗ.

Nhà máy đường Phổ Phong phải có giải pháp chủ động thu mua mía nhanh, giải quyết hết cho các địa phương. Đây là ưu tiên hàng đầu giải quyết vấn đề giá mía rớt thấp khiến nông dân Quảng Ngãi thua lỗ.
 Mía của người dân xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh chất đống ngoài đồng, không ai mua
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện khoảng 2.358 ha trồng mía, giảm 424ha so với kế hoạch, một số diện tích chuyển đổi sang trồng cây khác. Vừa qua, giá mía nguyên liệu giảm chỉ còn 500.000-700.000 đồng/tấn, thấp hơn so với các vụ trước, trong khi đó chi phí đầu tư vụ mía rất cao đã gây khó khăn cho đời sống của nông dân.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh, do Nhà máy đường Phổ Phong thu mua mía chậm so với tiến độ, dẫn đến năng suất chữ đường giảm, người dân bị lỗ nên có khoảng 1,5ha mía bị người dân đốt, chặt bỏ; một số diện tích khác không thu hoạch. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là do mía dân tự trồng để bán mía ép nước nên không ký hợp đồng đầu tư với Nhà máy, đến khi mía chín quá độ thương lái không mua, ép giá.
Còn tại huyện Ba Tơ, diện tích mía bị cháy là 4,5ha ở xã Ba Tô. Hiện nay diện tích này đã thu hoạch xong, Nhà máy đường Phổ Phong thu mua với giá 716.000 đồng/tấn.
Ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ kiến nghị: “Nhà máy đường phải cam kết với người dân thu mua hết sản lượng để người dân kịp thời xuống vụ mới. Nếu thu mua muộn thì dẫn đến cây mía trồng không đúng thời gian ảnh hưởng chất lượng cây mía lần tới. Riêng đối với vùng núi Ba Tơ, người dân trồng mía trên núi, độ dốc cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật rất khó khăn. Do vậy, cần có giải pháp như áp dụng giống mía mới mang lại hiệu quả cao hơn”.
Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Tại Quảng Ngãi, năm nay thời tiết thuận lợi nên mía chín rộ một lần, nhưng nhà máy đường lại thu mua mía chậm hơn so với năm trước, dẫn đến gây khó khăn cho người dân. Bên cạnh đó, nhà máy không đảm bảo được quá trình vận chuyển và bố trí xe vận chuyển, quá trình phối hợp với địa phương và nông dân chưa tốt, một số địa phương thiếu nhân công thu hoạch”.
Ông Bính đề nghị, trước mắt, nhà máy đường Phổ Phong có giải pháp chủ động thu mua mía nhanh, giải quyết hết cho các địa phương. Đây là ưu tiên đầu tiên giải quyết vấn đề mía cho nông dân. Đối với một số địa phương thiếu nhân công thu hoạch, đề nghị các địa phương huy động lực lượng đoàn thanh niên tham gia, giảm tối đa thiệt hại, giảm công lao động cho nông dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần