Quảng Ngãi hướng tới bảo tồn và khai thác rong mơ bền vững
Kinhtedothi- Rong mơ vùng ven biển Quảng Ngãi dồi dào, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân các địa phương. Thế nhưng, việc khai thác quá mức dẫn đến nguồn “lộc biển” này có nguy cơ cạn kiệt, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác về môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Ban Điều hành dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo vệ, khai thác và phát triển rong mơ khu vực các xã ven biển huyện Bình Sơn gắn với sinh kế bền vững của cộng đồng” vừa tổ chức đợt khảo sát các vùng rong mơ.

Ban Điều hành dự án khảo sát các vùng rong mơ.
Hoạt động này nhằm đánh giá chu kỳ sinh sản, các loại hải sản trú ngụ, đảm bảo cho sự phát triển rong mơ và hệ sinh thái. Từ đó, ra quyết định thời điểm được khai thác và xác định tọa độ, lên bản đồ phân vùng bảo vệ vùng rong mơ.
Sau đợt 1, Ban Điều hành dự án sẽ tổ chức đợt 2 nhằm khảo sát và kiểm định chất lượng rong, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho các hộ dân tham gia xây dựng sản phẩm.
“Chúng tôi khảo sát các điểm có rong mơ dọc theo vùng biển của huyện Bình Sơn. Sau đó đánh giá cụ thể, có hướng để duy trì, phát triển hiệu quả rong mơ, vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ hệ sinh thái biển”- Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn, chuyên gia Trung ương của dự án cho hay.
Rong mơ có màu vàng nâu, thường sống bám vào các rạn san hô, tảng đá ngầm dưới biển ở độ sâu 3-6m. Khi rong sinh trưởng dài và già sẽ nổi lên mặt nước tạo thành bãi lớn, đây cũng là thời điểm lý tưởng để thu hoạch.

Người dân khai thác rong mơ về phơi khô trước khi bán cho thương lái.
Rong mơ vừa là món ăn bổ dưỡng của người dân miền biển vừa là dược liệu quý nên có giá trị kinh tế, tạo thêm thu nhập cho người dân. Ngư dân khai thác quy mô lớn thì sử dụng tàu, thuyền cùng máy nén khí ôxy để lặn, còn khai thác nhỏ thì dùng thuyền thúng và "bè nổi tự chế" di chuyển ra vùng biển ven bờ là có thể vớt hoặc lặn cắt rong.
Mùa rong mơ bắt đầu có từ tháng 3 - 7 hàng năm. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức dẫn đến nguồn “lộc biển” này có nguy cơ cạn kiệt. Đặc biệt, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của nhiều loài hải sản bởi lẽ rong mơ là nơi các loài cá, tôm vào đây trú ngụ, đẻ trứng, sinh sản.
Trước thực trạng trên, Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo vệ, khai thác và phát triển rong mơ khu vực các xã ven biển huyện Bình Sơn gắn với sinh kế bền vững của cộng đồng” được triển khai, do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ.
Dự án được triển khai từ tháng 9/2024 đến tháng 10/2025, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn rong mơ và hệ sinh thái biển ven bờ; phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần đa dạng sinh học; tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng.
Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững dựa trên khai thác rong mơ; thiết lập cơ chế đồng quản lý để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ngăn chặn khai thác thiếu bền vững. Dự án được triển khai tại các xã ven biển, gồm: Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải và Bình Châu - nơi có diện tích rong mơ tự nhiên phong phú, ước tính hơn 250 ha.

Vùng ven biển Bình Sơn có diện tích rong mơ tự nhiên phong phú.
Ông Huỳnh Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu và khai thác hiệu quả”.
Rong mơ không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng cho người dân mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ môi trường biển và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc triển khai dự án này nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác rong mơ theo kiểu tận diệt, giúp bảo vệ hệ sinh thái biển và nâng cao sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.
“Những năm trước, người dân khai thác rong mơ ồ ạt theo kiểu tận thu, nhưng thời gian gần đây, người dân khai thác rong mơ theo đúng mùa và khai thác hạn chế”- anh Bùi Thành Đạt (xã Bình Hải) cho hay.

Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi-Chính quyền và người dân các địa phương tại Quảng Ngãi đang nỗ lực hiện thực hóa ước mơ về những căn nhà an toàn, ấm áp tình người. Thành quả này như dấu ấn nhân văn nhân 50 năm Quảng Ngãi giải phóng và thắp lên niềm tin, hy vọng về tương lai tươi sáng.

Quảng Ngãi lên kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất của hàng chục dự án
Kinhtedothi- Trong hai năm 2025 và 2026, Quảng Ngãi dự kiến thu hơn 2.687 tỷ đồng từ việc đấu giá quyền sử dụng, thu tiền sử dụng đất.

Quảng Ngãi: nhiều hoạt động tôn vinh Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Kinhtedothi- Các hoạt động được tổ chức sôi nổi không chỉ tạo sân chơi bổ ích, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, mà còn ươm mầm những ý tưởng sáng tạo, khuyến khích tinh thần học hỏi và khám phá trong cộng đồng.