Quảng Ngãi: Nuôi dế cho thu nhập cao

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít tốn kém kinh phí và công chăm sóc, nuôi dế đang là mô hình mang lại thu nhập cao cho người nuôi.

Dế mốc dễ nuôi và dễ chăm sóc.
2 năm nay, gia đình bà Đào Thị Xuân Hương (ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã triển khai thực hiện mô hình nuôi dế mốc Thái Lan.
Bà Hương cho hay, thức ăn cho dế ở giai đoạn còn nhỏ là bột cám, khi dế lớn hơn chỉ cần dùng lá mì, rau lang.
“Mỗi ngày cho dế ăn 3 lần, nuôi đến 30 ngày có thể bán thịt, đối với dế đẻ trứng làm giống thì cần 45 ngày. Khách hàng chủ yếu là các quán ăn ở Quảng Ngãi và một số người dân ở địa phương, các xã lân cận. Hiện nay cũng có nhiều người ở ngoài tỉnh đặt mua”, bà Hương chia sẻ.
Theo bà Hương, dế mốc dễ chăm sóc, chi phí thấp, được thả nuôi trong nhà kết hợp với nguồn thức ăn tự nhiên nên chất lượng đặc biệt thơm ngon, là loại thực phẩm sạch được khách hàng tin dùng. Nuôi dế quan trọng nhất là giữ chuồng trại khô thoáng, sạch sẽ. Nếu để bị ẩm ướt, dế sẽ bệnh và chết. Ngược lại, vào mùa nắng nóng, để thiếu nước quá cũng không tốt. Đến kỳ thu hoạch, trước khi bán vài ngày, cho dế ăn bí đỏ cho dế sạch ruột. Sau đó có thể xuất bán ra thị trường.
Hiện tại gia đình bà Hương đang thả nuôi hơn 30 chuồng dế, mỗi chuồng cho thu hoạch 15 - 16kg với giá bán khoảng 150.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi đợt thu hoạch cho lãi hơn chục triệu đồng.
Bà Đào Thị Xuân Hương đang cho dế ăn.
Cùng với nuôi dế thịt, bà Hương còn chịu khó tìm hiểu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tạo môi trường phù hợp cho dế sinh sản, nhằm chủ động nguồn con giống, chuẩn bị cho việc đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi và nhân đàn, thay vì phải đặt mua con giống ở các tỉnh phía Bắc như trước đây.
“Sau khi nuôi được một thời gian, hiểu được tập tính, chu kỳ sinh sản của chúng và tìm tòi thêm qua mạng Internet, hiện nay tôi đã biết cách lựa chọn những con dế to, khỏe tách riêng để cho chúng sinh sản. Nhờ vậy mà đã chủ động hoàn toàn về con giống, chi phí đầu tư cũng giảm so với trước”, bà Hương cho biết.
Sắp tới, gia đình bà Hương dự kiến sẽ mở rộng thêm quy mô. Bên cạnh nuôi dế thịt làm thực phẩm, dế giống thì sẽ nuôi thêm dế làm thức ăn cho chim cút, gà.
Ông Mai Duy Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hành Thiện nhận định, mô hình nuôi dế của gia đình bà Hương có hiệu quả rất tốt và đã được huyện Nghĩa Hành công nhận. Tuy nhiên việc nhân rộng mô hình còn có nhiều vấn đề cần lưu tâm. “Hiện nay đầu ra chưa ổn định, nên việc nhân rộng mô hình nuôi dế ra các hộ gia đình khác chưa khả quan. Khi nào chủ động được đầu ra thì việc phát triển mô hình mới thuận lợi”, ông Tuấn nói.