Quảng Ngãi: Người dân Gò Cỏ tự phân loại rác thải

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ” do tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tài trợ với tổng giá trị 10.000USD.

Người dân thuộc dự án được tặng bộ  thùng phân loại rác thải.
Sáng 11/10, hội nghị triển khai dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ” được tổ chức tại thôn Long Thạnh 2 (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).
Dự án do tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tài trợ với tổng giá trị 10.000USD. Đây là dự án tài trợ trang thiết bị và chuyển giao kỹ thuật sử dụng vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài không hoàn lại.
Sau thời gian khảo sát, đánh giá tính phù hợp của dự án với địa phương, tổ chức Môi trường Thái Bình Dương đã phê duyệt hồ sơ dự án và ký kết hợp đồng ghi nhớ với Hợp tác xã du lịch cộng đồng Gò Cỏ trong việc triển khai thực hiện.
Dự án hướng đến mục tiêu có trên 50% hộ gia đình ở Gò Cỏ (khu dân cư 1, thôn Long Thạnh 2) thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, làm phân vi sinh; hướng đến việc cộng đồng người dân tại khu vực làng Gò Cỏ “Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần”, tạo mô hình nhân rộng về “làng không rác”. Định hướng làng Gò Cỏ tự cung tự cấp lượng phân hữu cơ phục vụ trồng trọt tại địa phương.
69 hộ dân nằm trong dự án được tập huấn kiến thức, trang bị bộ thùng rác phân loại tại nhà và giám sát phân loại rác tại nguồn nhằm xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt hàng ngày, giảm tối thiểu lượng rác không phân hủy ra môi trường. Tại hội nghị triển khai dự án, ban tổ chức còn tặng 100 giỏ cói cho hội viên phụ nữ ở thôn Long Thạnh 2.
Dịp này, ông Guy Martini - Tổng thư ký mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO tặng 75 triệu dồng cho làng Gò Cỏ để thực hiện hoạt động chụp ảnh, truyền thông về giá trị di sản làng Gò Cỏ.
“Kinh phí này được dùng để mời nhiếp ảnh gia người Pháp về chụp ảnh làng Gò Cỏ vào đầu tháng 12/2019 để thực hiện tập ảnh quảng bá, triển lãm trong và ngoài nước nhằm thu huy du khách, phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai”, ông Martini cho biết.
Gò Cỏ được xem là hiện thân về sự kỳ bí của văn hóa Chăm pa cuối cùng còn lại, được ví là  “Báu vật Sa Huỳnh”. Đây cũng là một trong những điểm dừng chân của công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần