Quảng Ngãi: Vẫn còn tâm lý e ngại hàng Việt, “sính” hàng ngoại

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tâm lý e ngại hàng Việt, “sính” hàng ngoại của người dân, việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn.

Chiều 29/5, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt kết quả, nhiều giải pháp đã được tỉnh Quảng Ngãi triển khai. Trong đó, nổi bật là các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường. Từ năm 2016 - 2018, Sở Công Thương Quảng Ngãi đã chủ trì xây dựng 5 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 5 huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Tịnh; xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn với 164 phiên chợ hàng Việt được tổ chức, đạt doanh thu 17 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cao Phúc - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Nguyễn Cao Phúc - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường quản lý nhà nước về thị trường. Qua thống kê, trong giai đoạn 2009 - 2018, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thanh tra, phát hiện hơn 15.900 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, xử phạt và truy thu thuế, tịch thu hàng hóa, tang vật, thu nộp ngân sách trên 932 tỷ đồng.
Tham gia góp ý tại hội nghị, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như: Việc triển khai mô hình điểm bán hàng Việt cố định ở các địa phương còn nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với hàng ngoại có mẫu mã đẹp, giá rẻ; hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... vẫn còn bày bán công khai; công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa Việt Nam chưa sâu rộng, thường xuyên nên người tiêu dùng thiếu thông tin sản phẩm.
Bên cạnh đó, với tâm lý e ngại hàng Việt, “sính” hàng ngoại của người dân, việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn.
Hiện tại Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới, bên cạnh số lượng và chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên thì phải chịu áp lực, cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp từ nước ngoài  nhập khẩu về thường xuyên với giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp và chất lượng cao.
Do đó, để nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng; thiết lập hệ thống phân phối, quảng bá hàng Việt, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Từ đó, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước của các doanh nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần