Quảng Ninh, Thanh Hóa hứng bão nhiều nhất trong hơn 50 năm qua

Theo Vnexpress.net
Chia sẻ Zalo

Khu vực này từng có 116 cơn bão, với cường độ mạnh nhất cấp 14 và lượng mưa trong ngày lên đến 700 mm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố kết quả phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão và phân vùng gió cho khu vực sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ.
Theo đó, Bộ chia 8 vùng trên lãnh thổ Việt Nam bị ảnh hưởng của bão với thông số cụ thể về số lượng, lượng mưa và cường độ gió trong thời kỳ 1961 - 2014.
Vùng 3 (Quảng Ninh - Thanh Hóa) từng chịu số bão nhiều nhất với 116 cơn trong 53 năm. Trung bình mỗi năm khu vực này hứng 2-2,5 cơn bão, ba tháng nhiều nhất là 7, 8, 9. Cấp bão mạnh nhất là 14, giật 15-16. Lượng mưa một ngày đã ghi nhận tại đây lên đến 701 mm, tổng lượng mưa trung bình 150-200 mm/đợt.
Riêng dải ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, cấp gió mạnh nhất từng xảy ra là cấp 15, giật cấp 17. Tổng lượng mưa quan trắc trung bình một đợt bão từ 150 đến 200 mm, còn lượng mưa một ngày lớn nhất 502 mm.
Bão Mirinae - cơn bão số một ảnh hưởng đến Việt Nam và gây thiệt hại nặng nề.
Bão và áp thấp nhiệt đới là hiện tượng thiên tai nguy hiểm kèm theo đó là gió mạnh, mưa lớn, sóng cao và nước biển dâng. Bão và nước dâng do bão thường gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản trên phạm vi rộng lớn, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội và cuộc sống của cư dân vùng chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới.

Tiếp đó là vùng 4 (Nghệ An - Thừa Thiên Huế) với 93 cơn bão ảnh hưởng, trung bình từ 1,5 - 2,0 cơn/năm, tập trung ba tháng 8, 9, 10. Cấp gió bão mạnh nhất là 14, giật 15 - 16. Tổng lượng mưa trung bình một đợt bão từng ghi nhận 200 - 300 mm, còn lượng mưa một ngày lớn nhất 978 mm.
Đứng thứ 3 về khu vực hứng bão nhiều là vùng một (Đông Bắc). Khu vực này có tổng số 70 cơn bão, trung bình từ một đến 1,5 cơn/năm, tập trung vào tháng 8, 9. Cấp gió bão mạnh nhất đã xảy ra cấp 10, giật 12 - 13. Lượng mưa một ngày lớn nhất 546 mm; còn tổng lượng mưa trung bình một đợt là 100 - 150 mm.
5 vùng còn lại gồm Tây Bắc từng chịu 26 cơn bão, Đà Nẵng - Bình Định 66, Phú Yên - Ninh Thuận 48, Tây Nguyên 58 và Bình Thuận đến Cà Mau- Kiên Giang là 23.
Bộ Tài nguyên cũng công bố 5 vùng có nguy cơ nước dâng do bão tại ven biển Việt Nam. Trong đó nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh (4,5 mét), tiếp đến là khu vực Quảng Ninh - Thanh Hóa (3,5 mét), khu vực Bình Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu và Mũi Cà Mau đến Kiên Giang có nước dâng do bão thấp nhất (1,2 mét).
Trong tương lai, khi siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến 5 mét tại Nghệ An, Hà Tĩnh.
Sau cơn bão lịch sử Haiyan năm 2013, Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương xây dựng các phương án ứng phó với siêu bão. Để có cơ sở xây dựng các phương án ứng phó, năm 2014, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, công bố kết quả bước đầu về phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam trên cơ sở các tài liệu nghiên cứu đã thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần