Quảng Trị: Dòng Thạch Hãn đang bị ''băm nát''

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ hoạt động trái phép mà công tác quản lý còn nhiều bất cập, yếu kém đã dẫn đến tình trạng “nóng” về khoáng sản dọc theo dòng sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, sau đợt lũ lụt lịch sử năm 2020, tình trạng sạt lở trên dòng sông này ngày càng nghiêm trọng hơn.

Náo loạn trên bờ, dưới sông
Tờ mờ sáng, khu vực cầu Thành Cổ bắc qua dòng sông Thạch Hãn (nối huyện Triệu Phong với thị xã Quảng Trị) đã dội lên tiếng động cơ của cả chục chiếc thuyền chở cát về bãi tập kết ngay phía bờ sông. Những chiếc thuyền xuôi, ngược chở hàng chục khối cát tấp nập hết chuyến này đến chuyến khác. Trên bờ, xe tải nối đuôi nhau chở cát ra, vào gần chục bãi tập kết cát, sỏi nằm bên bờ Nam sông Thạch Hãn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài những chiếc thuyền từ các điểm khai thác được cấp phép thì nhiều chiếc thuyền ngược dòng từ phía xã Triệu Thượng (phía dưới các bãi tập kết cát) khai thác cát trái phép đưa về bãi tập kết. Theo ghi nhận, khi phóng viên ghi hình, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đưa ca nô ra chặn những chiếc thuyền này không cho vào bãi tập kết cát, sỏi bên bờ sông Thạch Hãn.

Một điểm sạt lở đang lấn sâu vào đất sản xuất của người dân.

Nhiều người dân sinh sống tại thôn Tân Đức (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong) dọc theo bờ Bắc sông Thạch Hãn cho biết, thuyền hút cát hoạt động từ nửa đêm đến sáng, khiến mọi sinh hoạt đều bị ảnh hưởng. Tình trạng khai thác cát những năm qua đã khiến cho đất 2 bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng, làm mất nhiều đất đai, vườn tược. Nhiều lúc, khi người dân ngăn cản thì suýt xảy ra xô xát, thậm chí chủ bãi tập kết cát còn cho người đe dọa người dân phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép với cơ quan chức năng.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phan Văn Linh - Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: Việc khai thác cát, sạn trên địa bàn khá phức tạp, trong đó có khu vực trên dòng sông Thạch Hãn, đoạn tiếp giáp với thị xã Quảng Trị. Vẫn còn tình trạng tập kết, kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp hoặc tập kết không đúng địa điểm cấp phép theo quy định.
“Bên cạnh đó, công tác quản lý của một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp giữa các địa phương và các phòng, ban liên quan nên hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm của các cơ sở này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi và manh động, lực lượng xã ra đẩy đuổi là chống đối ngay”, ông Phan Văn Linh cho biết thêm.
Bãi tập kết cát bên bờ sông Thạch Hãn kéo dài hàng trăm mét. 
Không chỉ tình trạng cát khai thác trái phép gây bức xúc cho người dân sinh sống 2 bên bờ sông, mà còn là tình trạng xe chở cát quá tải ra vào ngay tuyến đường Ngô Quyền (nội thị thị xã Quảng Trị). Phóng viên đã chứng kiến hàng loạt xe chở theo rơ-moóc trọng tải hàng chục tấn về bãi tập kết, hay những chiếc xe tải trọng tải lớn khác chở cát từ đây đi ra.
Thấp thỏm nhiều nỗi lo
Câu chuyện khai thác khoáng sản càng “nóng” hơn ở sông Thạch Hãn, đoạn chảy qua địa bàn thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong khiến người dân hai bờ đều thấp thỏm với nỗi lo sạt lở. Đặc biệt, trận lũ năm 2020 đã khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Thậm chí, tính mạng hàng trăm người dân đang bị đe dọa khi họ vẫn cố bám trụ trong những căn nhà mà sạt lở đã “ăn” vào tận vách tường.

Một điểm sạt lở đã ăn sâu vào sát vách tường nhà của người dân.

Bà Ngô Thị Thủy (thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) cho biết: 30 năm sinh sống ở đây nhưng giờ mới bị sạt lở nghiêm trọng như vậy. Đợt lũ năm 2020 đã cuốn phăng khoảng 10m đất từ bờ sông vào sát tường phía sau căn nhà. “Giờ cũng đành ở tạm thôi, chứ tường sau nứt toác hết rồi, biết đi mô chừ chú ơi”, bà Ngô Thị Thủy nói.
Dù tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng kéo dài khoảng 3km tại khu vực xã Hải Lệ nhưng ngay các điểm sạt lở, trên dòng sông là những chiếc thuyền vẫn hút cát. Điều đó, khiến nhiều người dân sinh sống ở đây càng thêm bức xúc.
Không chỉ sạt lở gây ảnh hưởng đến người dân mà tại một số điểm di tích lịch sử cũng bắt đầu có dấu hiệu sạt lở, hư hỏng. Tại khu vực kè đá dọc theo xóm Trà (thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong) cũng bi hư hại, sạt lở nghiêm trọng. Người dân ở đây lo lắng khi tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
“Nếu cứ để như thế này, sợ đến mùa mưa lũ năm nay trôi mất cái xóm này luôn chú ơi, kè đá giờ hổng dưới hết rồi, nhiều đoạn sạt, lún xuống sông. Mong cơ quan nhà nước vào cuộc sớm chứ bà con ở đây lo lắm”, một người dân sinh sống gần bờ sông cho biết.
Ngay tại 1 điểm sạt lở nghiêm trọng ở thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị), những chiếc thuyền vẫn hút cát dưới sông.
Chưa hiểu đúng các quy định pháp luật?
Ông Lê Phước Chưởng - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Quảng Trị nói: “Việc sạt lở là có, tuy nhiên chưa có một cơ sở nào đánh giá là việc khai thác cát gây ra. Chỉ sau trận lũ năm 2020 thì việc sạt lở diễn ra nghiêm trọng”.
“Người dân thì có phản ánh (việc khai thác cát gây sạt lở - PV), hiện chúng tôi có phối hợp với xã đi kiểm tra nhưng chưa có kết quả báo cáo”, ông Lê Phước Chưởng cho biết thêm.
Đồng thời, khi phóng viên đưa ra những nội dung “Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông” tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ, ông Lê Phước Chưởng vẫn chưa nói rõ nhiều vấn đề liên quan hoặc không hiểu đúng những nội dung mà Nghị định của Chính phủ đã ban hành.
Xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc có tải trọng hàng chục tấn vào điểm tập kết cát, sạn ngay bên bờ sông Thạch Hãn. 
Có thể thấy, những bãi tập kết cát, sạn ngay bên bờ sông Thạch Hãn cùng với việc sạt lở nhiều đoạn sông đã khiến dòng Thạch Hãn đang bị ''băm nát''. Tuy nhiên, với cách triển khai, hiểu về các quy định của pháp luật của một đơn vị chức năng khiến việc khai thác, vận chuyển cát sạn dọc theo bờ sông Thạch Hãn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như mỹ quan, văn hóa của một dòng sông lịch sử.
Theo khoản 2, Điều 13 của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 10/4/2020: "Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông các khu vực sau đây được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: a - Khu vực đang bị sạt, lở; b - Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; c - Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần