Quảng Trị: Lúa mất mùa vì sâu bệnh, đừng để nông dân “thiệt đơn, thiệt kép”

MINH TÂN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, người nông dân Quảng Trị được hỗ trợ các giống lúa để xuống vụ. Thế nhưng, cánh đồng lúa thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải, huyện Gio Linh đang xơ xác vì mất mùa. Nỗi lo “thiệt đơn, thiệt kép” hiện hữu đối với người nông dân nơi đây.

Những ruộng lúa... lép
Chưa đến vụ thu hoạch nhưng bà Bùi Thị Bốn (thôn Nhĩ Hạ) đã ra đồng gặt lúa… lép. Bên ruộng lúa, đàn gà bới mãi cũng không tìm được hạt thóc nào bởi toàn bộ 6 sào (3.500m2) lúa của gia đình mất trắng. Ôm những bó lúa xác xơ, bà Bốn bần thần khi vụ mùa năm nay coi như không thu được hạt thóc nào.
“Đây là giống lúa được hợp tác xã hỗ trợ sau đợt mưa lũ năm 2020, mỗi sào được hỗ trợ 4,5kg thóc giống. Thế nhưng, bao nhiêu công chăm bẵm, tiền phân bón giờ không còn gì. Giờ chỉ biết cắt làm rơm cho bò thôi! Năm nay lại không có gạo mà ăn. Vụ mùa tháng 8 năm 2020, bà con nông dân cũng đã thiệt hại quá nặng vì hạn hán rồi” – bà Bốn lo lắng nói.
Ánh mắt lo lắng, thất thần của người nông dân khi cả vụ mùa chẳng thu về được hạt thóc nào.
 Không chỉ ruộng lúa gia đình bà Bốn, cánh đồng lúa của người nông dân ở khu vực Trằm Chia, Trằm Giữa (thôn Nhĩ  Hạ) cũng thiệt hại tương tự. Bà con cho biết, năm nay lúa rất tốt nhờ phù sa đợt lụt năm ngoái, nhưng chưa kịp mừng thì lúa bị sâu bệnh phá hoại, có nhà mất trắng. Trong thôn, hộ thiệt hại nhiều nhất thì trên nữa héc-ta, hộ ít thì vài sào.
Quan sát của P.V, những cây lúa dù lên khỏe mạnh nhưng hạt cháy trắng, lép, không có sữa.  Theo phản ánh của người dân thôn Nhĩ Hạ, đây là giống lúa LDA1 được hỗ trợ cho bà con sau mùa mưa lũ năm 2020 nhằm phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng là giống lúa lần đầu tiên bà con đưa vào gieo trồng ở cánh đồng này.
Dù nguồn gốc rõ ràng khi người dân cho biết toàn bộ giống LDA1 ghi trên bao bì là của Trung tâm giống cây trồng – vật nuôi tỉnh Quảng Trị, nhưng xảy ra tình trạng này khiến người dân bất an. Bởi xung quanh những đám ruộng gieo trồng cùng thời điểm nhưng giống khác vẫn phát triển bình thường và trĩu hạt. Thậm chí, cùng một mảnh ruộng nhưng chỉ mỗi giống lúa LDA1 bị thiệt hại.
Bà Phạm Thị Hoa (thôn Nhĩ Hạ) cho biết thêm: “Lúc được phát giống thì nhìn hạt lúa rất đẹp nhưng không hiểu vì sao chỉ mỗi giống LDA1 này bị sâu bệnh. Gia đình tôi canh tác 1,5 mẫu (khoảng 7.500m2) giờ coi như mất trắng. Bao nhiêu tiền công, phân bón đầu tư cũng không thu lại được đồng nào. Xung quanh đây, 6-7 hộ gia đình xuống giống lúa này cũng thiệt hại tương tự dù đã phun các loại thuốc phòng, trừ sâu bệnh. Mong sao chính quyền địa phương, Nhà nước hỗ trợ cho bà con chứ 2 vụ lúa liên tiếp coi như thất bát”.

Người dân thông Nhĩ Hạ băn khoăn khi chỉ ruộng lúa gieo giống LDA1 bị thiệt hại, còn xung quanh các giống khác đều bội thu.

Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hải Hồ Minh Thùy cho biết: Trong đợt mưa lũ 2020, thôn Nhĩ Trung và thôn Nhĩ Hạ được hỗ trợ khoảng 1,8 tấn giống LDA1. Tuy nhiên, tình trạng xảy ra nặng nhất tại khu vực thôn Nhĩ Hạ với khoảng 8-9ha, còn nguyên nhân vẫn chưa xác định cụ thể do giống hay do sâu bệnh. Với những biểu hiện giống với bệnh đạo ôn cổ bông.
“Chúng tôi cũng đã có báo cáo lên huyện về tình trạng diện tích lúa bị hư hại tại thôn Nhĩ Hạ để nắm, chứ giờ cũng không thể cứu được nữa”, ông Thùy nói.
Cần xác định nguyên nhân, hỗ trợ người nông dân
Liên hệ làm việc về vấn đề trên với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Gio Linh không được vì lãnh đạo bận đi họp, PV sau đó đã đăng ký làm việc được với Giám đốc Trung tâm giống cây trồng – vật nuôi tỉnh Quảng Trị.
Giám đốc Trung tâm giống cây trồng – vật nuôi tỉnh Quảng Trị Phạm Xuân Tuyên tỏ ra bất ngờ khi PV đề cập đến việc người dân thôn Nhĩ Hạ phản ánh tình trạng hư hại trên giống lúa LDA1.
Ông Tuyên chia sẻ: “Thực sự giờ tôi mới biết, bởi cách đây 1 tuần, trung tâm tổ chức hội nghị đầu bờ và có mặt đa phần giám đốc các hợp tác xã, nhưng không hề có ai phản ánh về tình trạng này. Trung tâm sẽ cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra lại nhằm có xác định cụ thể”. Ngay sau đó, ông Phạm Xuân Tuyên đã gọi điện trực tiếp cho cán bộ kỹ thuật phụ trách khu vực huyện Gio Linh để nắm rõ tình hình.
6 sào lúa (giống LDA1) mất trắng, bà Bùi Thị Bốn ngậm ngùi cắt bỏ để làm rơm cho bò ăn.
Cũng theo ông Phạm Xuân Tuyên, Trung tâm là đơn vị cung cấp giống lúa trên địa bàn tỉnh có uy tín và rất có trách nhiệm. Trong khi đó, giống lúa LDA1, Trung tâm cung cấp cho toàn tỉnh Quảng Trị là khoảng trên 50 tấn nhưng dịch bệnh chỉ xảy ra cục bộ tại khu vực thôn Nhĩ Hạ.
Không chỉ giống lúa LDA1, qua tìm hiểu của P.V, cũng tại địa bàn thôn Nhĩ Trung (xã Gio Hải), người dân đã phản ánh về tình trạng giống lúa HC95 được hỗ trợ sau đợt mưa lũ năm 2020 không nảy mầm trong thời điểm đầu vụ. Đây cũng là giống lúa mà Trung tâm giống cây trồng – vật nuôi Quảng Trị cung cấp. May mắn, người dân đã tìm nguồn giống khác hoặc nguồn giống dự trữ cá nhân để gieo trồng kịp thời vụ.
Vấn đề này, ông Phạm Xuân Tuyên thừa nhận: “Nguyên nhân lúa chết, không nảy mầm vào đầu vụ tại khu vực thôn Nhĩ Trung không xác định được khi bà con phản ánh chậm. Ở đây không phải lỗi của trung tâm mà có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, trung tâm cũng nhìn nhận một phần trách nhiệm vấn đề này bởi việc tuyên truyền cho bà con bảo quản lúa giống không kịp thời, chưa triệt để. Bởi nếu bảo quản không tốt thì tỷ lệ hạt thóc nảy mầm rất thấp. Chúng tôi cũng đã cam kết hỗ trợ lại 2,6 tấn lúa giống cho bà con thôn Nhĩ Trung trong đợt vụ mùa tới”.
Với những diện tích lúa đang bị hư hại, mất trắng tại cánh đồng Nhĩ Hạ đang khiến người nông dân nơi đây càng khốn khó hơn. Trải qua đợt hạn hán rồi đến mưa lũ lịch sử năm trước, bao nhiêu hi vọng vụ mùa bội thu năm nay đã không còn. Các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị cũng như chính quyền địa phương cần xem xét, tìm rõ nguyên nhân gây bệnh lúa, có phương án hỗ trợ, tránh để người nông dân “thiệt đơn, thiệt kép”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần