Quay cuồng vì nắng nóng

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục tính từ đầu hè 2018. Có thời điểm, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40oC. Thời tiết này, không chỉ khiến tình hình tham gia giao thông có nhiều biến động về số lượng vi phạm, tình hình sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng mà còn tiềm ẩn rủi ro về bệnh tật.

Gia tăng tình trạng vi phạm giao thông

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khiến cho tâm lý không ít người tham gia giao thông ở Thủ đô trở nên nóng vội và liều lĩnh. Trong những ngày này, không khó để chứng kiến những lỗi vi phạm luật giao thông trên nhiều tuyến đường, từ vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, chạy lấn làn, dừng đỗ không đúng nơi quy định... Điều này cảnh báo về nguy cơ gia tăng vi phạm giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao.
 Nhiều phương tiện tham gia giao thông dừng đỗ dưới bóng cây tránh nắng. Ảnh: Công Hùng
14h45 ngày 2/7, tại nút giao Huỳnh Thúc Kháng – Nguyễn Chí Thanh, mặc dù đã qua thời điểm nắng nóng cực đại trong ngày nhưng không khí ngoài đường vẫn hầm hập như đổ lửa. Vì thế, nhiều phương tiện đã không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông. Tương tự, tại nút giao Nguyễn Chí Thanh – Láng; tuyến đường Đê La Thành, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Cầu Giấy... tình trạng các phương tiện vi phạm luật giao thông với mục đích... tránh nắng diễn ra khá phổ biến. Ngoài việc vượt đèn đỏ, nhiều lỗi vi phạm khác như đi lấn làn, dừng đỗ không đúng nơi quy định... xuất hiện tương đối nhiều. Thậm chí có trường hợp một chiếc taxi trên đường Đê La Thành, chỉ vì muốn nhanh chóng vượt lên phía trước đã cố tình lấn làn, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Chứng kiến điều này, nhiều người đi đường đã không khỏi bức xúc và thể hiện sự bất bình với lái xe taxi trên.

Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn

Đang là thời điểm gieo cấy lúa vụ Mùa, song, thời tiết nắng nóng kéo dài gần một tuần qua khiến việc sản xuất nông nghiệp của nông dân các huyện ngoại thành gặp không ít khó khăn.

Anh Đỗ Văn Kiên, thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai chia sẻ, để tránh cái nắng gay gắt, 3 ngày nay, hôm nào gia đình anh cũng ra đồng từ 3 giờ sáng và 5 giờ chiều để nhổ mạ, cấy lúa. Không chỉ có hộ anh Kiên mà nhiều hộ nông dân khác bất đắc dĩ phải chọn lúc mặt trời lặn để ra đồng cấy cho kịp thời vụ. Lãnh đạo phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho hay, mặc dù không xảy ra hiện tượng hạn đầu vụ, thiếu nước tưới dưỡng lúa xong nắng nóng kéo dài trong mấy ngày qua đã khiến cho một số diện tích lúa mới cấy trên địa bàn bị táp nắng, thậm chí cháy lá.

Dọc QL 21B, đoạn qua các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, trên khắp các các cánh đồng đã phủ kín màu xanh non của lúa mới cấy. Hiện tại, nông dân đang bắt tay vào việc bón phân, chăm sóc để lúa nhanh bén rễ, hồi xanh. Tuy nhiên, nắng nóng trong mấy ngày qua đã khiến một diện tích lúa mới cấy ở vàn cao bị cạn nước.

Dù trời nắng nóng, tuy nhiên những ngày qua, hàng chục cán bộ, công nhân Trạm bơm Ấp Bắc (Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) vẫn phải túc trực, vận hành hệ thống tưới phục vụ sản xuất cho bà con nông dân. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn, đến nay, chưa có thông tin từ địa phương nào phản ánh tình trạng nắng nóng, khô hạn ảnh hưởng tiến độ gieo cấy. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cảnh báo trong tháng 7, lượng mưa trên địa bàn TP sẽ phân bố không đều, dao động từ 100 - 330mm/tháng. Mực nước các hồ chứa trong tháng 7 nhiều khả năng cũng chỉ đạt ở mức trung bình khoảng 43%. Do đó, các địa phương cần hết sức chú ý, bảo đảm nguồn nước trữ phục vụ gieo cấy và nhu cầu tưới dưỡng cho cây trồng vụ Mùa.

Khuyến cáo của ngành y

Thời tiết nắng nóng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc biệt ở trẻ em. Mặt khác, nhiệt độ cao khiến thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn gây ra bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp như bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ làm cơ thể bị nhiễm lạnh, viêm phổi.

Do vậy, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, trong những ngày này, người dân nên hạn chế đi ra ngoài đường khi không cần thiết, hoặc phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang nếu phải đi ra ngoài. Đặc biệt, cần uống nhiều nước, ít nhất 2 lít nước/ngày, với những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Tránh để quạt gió mạnh thổi trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp. Ngoài ra, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống xung quanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua đã khiến nhiệt độ ngoài trời tăng cao ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ. Nắng nóng gay gắt có thể kết thúc trong ngày 5/7 ở Bắc Bộ và ngày 6/7 ở ven biển Trung Bộ. Sau nắng nóng diện rộng như hiện nay mà có mưa lớn xuất hiện thì có thể xảy ra các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh. Do vậy bà con cần chủ động với mọi diễn biến của thiên tai. Đặc biệt có biện pháp chủ động phòng, tránh trú khi có các dấu hiệu của dông, lốc, xoáy và sét. Ở các tỉnh vùng núi phía Bắc cũng cần phải đề phòng với hiện tượng lũ quét và trượt lở đất có thể sẽ xảy ra." - Ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia