Quầy sách báo miễn phí của bà Dung

Vũ Minh Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời buổi văn hóa mạng lên ngôi, thông tin trên sách, báo dường như không được quan tâm nhiều.

Thế nhưng, suốt mấy tháng qua, ngày nắng cũng như mưa, tại một góc nhỏ ở số 55 Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa, Hà Nội), bà Phạm Thị Huyền Dung, 72 tuổi, lại chọn cách duy trì văn hóa đọc bằng cách rất riêng.

Bà Dung sắp xếp sách báo phục vụ mọi người. Ảnh:  Trần Thảo

Bà Dung vốn là giảng viên môn Triết học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Những năm tháng ấy, bà bao giờ cũng trân trọng sách báo, phần vì say mê những điều lý thú trong sách báo, phần nữa là để nâng cao tri thức phục vụ giảng dạy. Sau này, là cán bộ hưu trí nên bà thường xuyên được cấp phát báo miễn phí. Đọc một mình thấy lãng phí mà cũng chẳng thể chia sẻ thông tin được với ai, thông tin mà không được chia sẻ là thông tin vô ích. Nghĩ vậy, bà mang số báo mình có được và đi xin, sưu tầm, mua ở một số nơi để lập ra quầy sách báo tạo không gian đọc miễn phí cho mọi người. Quầy mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ, bất kể nắng mưa.
Hồi mới “khai trương”, quầy sách báo chỉ có vài đầu báo và một số sách, tài liệu. Sau này, nhiều người biết đến quầy sách báo, tìm đến đọc ngày một đông, bà trích tiền lương hưu mua thêm một số tờ báo mới để mọi người cập nhật thông tin. Thấy vậy, các bác cao tuổi đi tập thể dục qua, sinh viên, học sinh... mang sách, báo của mình đến ủng hộ. Quầy báo có thêm nhiều đầu báo, đầu sách hay hơn, phục vụ người đọc mọi lứa tuổi.
Để mọi người không nhầm lẫn quầy sách báo miễn phí với quầy bán báo, bà tự tay viết một tấm bảng lớn treo trước mặt tiền: “Kính mời Nhân dân đọc sách, báo miễn phí”. Mỗi ngày, thấy ai đi qua, bà cũng mời vào đọc. Bà tự tay xếp thêm những chiếc ghế nhựa, ngày dùng ô che nắng, đêm dùng bóng điện chiếu sáng. Nơi đây trở thành không gian đọc quen thuộc của mọi người trong khu dân phố, thậm chí những người ở xa khi biết đến quầy báo cũng tìm đến. Nhiều học sinh, sinh viên ghé quầy báo của bà Dung với hy vọng tìm được những cuốn sách hay, bổ ích cho mình.
Dù chỉ là một quầy sách báo nhỏ nằm cạnh di tích lịch sử Gò Đống Đa, nhưng quầy sách báo của bà Dung đã tạo nên một không gian văn hóa đọc hiếm có. Ở đây, độc giả tìm được những kiến thức về xã hội, sức khỏe và nhiều lĩnh vực khác, từ đó có thêm tình cảm, gần gũi nhau hơn. Người già, trẻ nhỏ, thanh niên cùng trò chuyện, thảo luận và chia sẻ về các vấn đề quan tâm.
"Nhiều người ủng hộ, cũng có người chê tôi "bị mắc chứng dở hơi" làm việc không công. Nhưng mỗi ngày đặt sách báo lên quầy, thấy các cụ, các cháu say sưa đọc, tôi cũng thấy vui hơn” - bà Dung tâm sự.
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần