Đại biểu Quốc hội chất vấn về việc cài cắm "đường lưỡi bò" vào hàng hóa ở Việt Nam

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 6/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính về nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, gồm: Công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển cơ khí chế tạo trong nước, tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời.
Tịch thu sản phẩm cài cắm "đường lưỡi bò"

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi về việc vừa qua có thông tin về việc cài cắm đường lưỡi bò của Trung Quốc vào hàng hóa ở Việt Nam như quả địa cầu, ôtô gắn định vị, phim ảnh… Hải quan đã phát hiện và xử lý nhiều vụ, số đã bán đến người tiêu dùng hết sức nguy hại. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này? Có biện pháp gì để không tái diễn hình ảnh tương tự làm ảnh hưởng đến người dân?".

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận đây là một hiện tượng mới xuất hiện. Cụ thể, một số ô tô nhập khẩu phục vụ triển lãm trong hội chợ có sử dụng bản đồ định vị "đường lưỡi bò", sau đó một số sản phẩm nghe nhìn gặp tình trạng tương tự. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, đã tổ chức kiểm tra rà soát lại. Trước mắt, Bộ Công Thương thống nhất với Tổng cục Hải quan đối với ôtô phục vụ triển lãm, tổ chức tịch thu, sung công.

Sau đó, ông cho biết cần có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát pháp lý để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn, tránh trường hợp lợi dụng tương tự trong tương lai.

Với một doanh nghiệp khác thực hiện hoạt động nhập khẩu ôtô, cũng xuất hiện "đường lưỡi bò" cài cắm vào, Bộ Công Thương đã yêu cầu thu hồi toàn bộ. Đồng thời, tước giấy phép nhập khẩu và kinh doanh ở Việt Nam cho đến khi nào khắc phục xong.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

"Qua đây chúng tôi thấy có một lỗ hổng trong pháp lý,mà các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin & Truyền thông... sẽ tiếp tục cần rà soát lại, để đảm bảo không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai. Chúng ta sẽ hoàn thiện pháp luật và thể chế", Bộ trưởng cho hay.

Ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt

Trả lời chất vấn của đại biểu giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu đi nước khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, chúng ta đã hội nhập sâu với thế giới. Thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại đã ký kết, các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường quốc gia đối tác giúp chúng ta có lợi thế về thị trường so với các quốc gia khác.

Các hiệp định đa phương, song phương đã ký kết giúp chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm khi sang nước khác. Nhưng với ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường đã xuất hiện tình trạng sản phẩm đội lốt xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang các thị trường đối tác.

Từ năm 2016, 2017, Bộ Công Thương và Chính phủ đã nhận thức rõ thách thức, nguy cơ về vấn đề này.

Thực tế, vừa qua có doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu nhôm tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã sử dụng nguyên liệu nhôm nung, nhôm nguyên liệu khác để có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu đi. Ngay thời điểm nhận thông tin, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến làm việc với doanh nghiệp này, báo cáo với các cấp, ban ngành.

Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, giao Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ Việt Nam khi tham gia thương mại thế giới.

Bên cạnh sản phẩm nhôm này cũng có một số sản phẩm khác có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán, sản phẩm gỗ...

Những sản xuất này có dấu hiệu gian lận thương mại, truyền tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU đã được phát hiện. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành để xử lý vấn đề này.

Đặc biệt, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu hàng hóa, sử dụng xuất xứ hàng hóa đã phối hợp chặt chẽ chống lại hành vi này. Vừa qua, Chính phủ đã có đề án ngăn ngừa gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, trong đó đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chính đã được giao cho các cơ quan chức năng. Bộ trưởng khẳng định, hiện nay có thể nói, chúng ta không chậm trễ, gây tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác.