Quốc hội dự kiến phê chuẩn EVFTA và EVIPA tại kỳ họp đang diễn ra

Minh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai hiệp định này là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, mang lại những lợi ích to lớn, cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 28/5, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết về thời điểm Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết dự kiến trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét và tiến hành phê chuẩn hai hiệp định này.

Việc thực thi EVFTA sẽ tăng cường cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU

Sau quá trình đàm phán tích cực, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), thông qua các cơ chế trao đổi, đối thoại giữa EU và các ban, bộ, ngành của Việt Nam, ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Mới đây nhất, ngày 30/3, Hội đồng châu Âu đã chuẩn y quyết định phê chuẩn của Nghị viện châu Âu, hoàn thành thủ tục lập pháp nội bộ của EU đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Hiệp định EVIPA còn phải qua thủ tục phê chuẩn của Nghị viện các quốc gia thành viên.

Các hiệp định này là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, mang lại những lợi ích to lớn, cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, tạo động lực mới cho mối quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam và EU, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành theo hai đợt. Đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến 4/6/2020); đợt 2, họp tập trung tại nhà Quốc hội (từ ngày 10/6 đến 19/6).

Tại phiên khai mạc kỳ họp sáng 20/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIP.

Việc thực thi hai hiệp định này sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có tác động làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.

So với trường hợp không tham gia các Hiệp định này, GDP của Việt Nam tăng thêm lần lượt trong ngắn hạn, trung hạn (giai đoạn 2022 - 2024) và dài hạn (giai đoạn 2025 - 2030) từ 0,28% đến 0,63%/năm; 1,24% đến 2,02%/năm và từ 3,53% đến 4,37%/năm. Về việc làm, mức tăng tương ứng lần lượt là 26.000 đến 66.000; 56.000 đến 81.000 và từ 34.000 đến 43.000.

EVIPA được đánh giá là sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển hướng, đồng thời hạn chế việc suy giảm nguồn vốn FDI theo xu hướng chung của thế giới.