"Quốc hội không chỉ là trung tâm quyền lực, còn là trung tâm dân chủ, đoàn kết của quốc gia, dân tộc"

D. Tiêu - Giang Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cần xây dựng Quốc hội là một Quốc hội nhân văn, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là một trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia, của dân tộc. Quốc hội cần xây dựng một hình ảnh đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân. Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng mong muốn.

Hôm nay (26/3), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Chú trọng giám sát việc sử dụng quyền lực và nguồn lực của đất nước

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ tán thành cao nội dung các báo cáo của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là khẳng định vị trí, vai trò và thành công của Quốc hội Khóa XIV.

Nêu quan điểm về công tác lập pháp, ông Nhưỡng khẳng định, thành công trong công tác lập pháp là rất quan trọng, khẳng định trách nhiệm của Quốc hội trong xây dựng thể chế pháp luật để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên, theo ông không thể không đề cập đến một số vấn đề hạn chế như: ngoài việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và chuyển hồ sơ các dự án luật thì vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có dự án luật gây bức xúc cho dư luận; dự án luật chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc tác động kinh tế - xã hội, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế; không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định.

Trong công tác thẩm tra, thẩm định các dự án luật, ông Nhưỡng cho rằng, vẫn còn sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao. Năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí còn tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý, cảm tính chứ chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện được quan điểm và trách nhiệm xây dựng luật pháp trước Nhân dân.

Trong công tác giám sát, ông Nhưỡng cho biết, ngay Kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước phát biểu yêu cầu Quốc hội phải coi trọng giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt chú trọng hoạt động hậu giám sát. Cả nhiệm kỳ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát, thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Hoạt động giám sát tối cao, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, của các Ủy ban đã đi vào những vấn đề trọng yếu của đất nước, của lĩnh vực, ngành mà cử tri quan tâm, gồm cả những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, tư pháp, giải quyết kiến nghị của cử tri; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng. Hiệu lực, hiệu quả giám sát ngày một nâng cao.

Tuy nhiên, theo Đại biểu, vẫn còn một số tồn tại như: giám sát vẫn chưa toàn diện, còn lĩnh vực bị bỏ ngỏ. Ví dụ như lĩnh vực dân tộc thiểu số, miền núi chưa được Quốc hội giám sát tối cao làm cơ sở hoạch định chính sách, pháp luật tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng cũng như sự tổn thương của khu vực dân tộc, miền núi. Trong khi các giám sát bậc thấp không thể bao quát và Quốc hội đánh giá đầy đủ nhất về vấn đề này. Bên cạnh đó, giám sát của Quốc hội, cơ quan Quốc hội chưa được thực hiện những vụ việc lớn, nổi cộm, bức xúc dư luận. Giám sát cá nhân của đại biểu Quốc hội chưa được thực hiện nhiều.

Có đại biểu Quốc hội không thực hiện đúng quy định của pháp luật về giám sát; còn nhầm lẫn trong thực hiện vai trò đại biểu ở lĩnh vực này. Chưa có cơ chế xác định trách nhiệm cũng như điều kiện đảm bảo thực hiện giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội, thiếu cơ chế xác định trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội trong giám sát các vấn đề của chính địa phương và khu vực bầu cử.

Điều này làm giảm sút số lượng, khối lượng, hiệu lực, hiệu quả của giám sát. Chưa có cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện kiến nghị một đại biểu Quốc hội khi đại biểu Quốc hội không tiếp tục tham gia ứng cử, về nghỉ chế độ hoặc các lý do khác trong công tác cán bộ… nhất là đối với các vụ việc, nội dung kiến nghị phải đảm bảo giải quyết trong một thời gian dài chưa kết thúc.

Để góp phần nối tiếp những thành công của Quốc hội Khóa XIV, ông Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị: Quốc hội tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả của giám sát Quốc hội, HĐND; chú trọng giám sát việc sử dụng quyền lực và sử dụng nguồn lực của đất nước.

Đại biểu góp ý: “Cần xây dựng Quốc hội là một Quốc hội nhân văn, không chỉ là một trung tâm quyền lực mà còn là một trung tâm dân chủ và đoàn kết của quốc gia, của dân tộc. Quốc hội cần xây dựng một hình ảnh đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân. Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực”.

Đại biểu Quốc hội vì Nhân dân thì chắc chắn sẽ được Nhân dân tin yêu

Đánh giá thành công của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khẳng định 5 dấu ấn lớn:

Một là, Quốc hội đã góp phần tạo nên sự hoàn thiện, sự đồng bộ sâu sắc, một khối thống nhất cao độ giữa Đảng với Nhà nước, Nhân dân và cử tri. Thành công to lớn của dân tộc ta đã đạt được trong 5 năm vừa qua là nhờ sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng. Quốc hội đã khẳng định chức năng của mình qua quá trình lập pháp, giám sát các nhiệm vụ quan trọng của đất nước, đã thể chế hóa được các đường lối của Đảng, đã tham gia giám sát các hoạt động của Chính phủ, là cầu nối chính thức của Nhân dân và cử tri.

Hai là, Quốc hội đã thể hiện rất rõ sự dân chủ qua những đổi mới, nâng cấp qua hoạt động bầu cử, giám sát, chất vấn, trong xây dựng luật và các hoạt động khác. “Điều vui nhất của đại biểu Quốc hội như tôi chính là được tự do thể hiện chính kiến của mình mà không bị bất kỳ một sự hạn chế, cấm cản nào. Tại diễn đàn này, bất kỳ đại biểu Quốc hội nào đều có thể chất vấn Chính phủ dù ở bất cứ cương vị nào...

Không những vậy mà khi chất vấn những ý kiến hay còn được biểu dương, ý kiến đúng còn được khen ngợi. Đó thực sự là một sự dân chủ của Quốc hội Khóa XIV. 5 năm qua không ít lần chúng ta chứng kiến những lần tranh luận nóng bỏng, cũng có những dự thảo luật, nghị quyết mặc dù đã được chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn được các đại biểu Quốc hội tiếp tục phân tích, mổ xẻ đa chiều, có lý, có tình và thậm chí là không thông qua.

Đó thực sự là sự dân chủ của Quốc hội. Đã có những lần chúng ta nhấn nút biểu quyết không như nhau nhưng chắc chắn rằng đó không phải là những nút bấm bất đồng, không đồng thuận mà là những nút bấm của sự tối ưu, hợp lý, khẳng định được kết quả của sự dân chủ”, ông Trí nói. Cũng nhờ đó là Quốc hội Việt Nam dân chủ hơn, gần dân hơn.

Ba là, chúng ta thấy rõ hiện nay cử tri cả nước đã quan tâm đến Quốc hội hơn, cử tri đã nhận xét rất nhiều các ý kiến về các hoạt động của Quốc hội. Điều đó thể hiện Nhân dân, cử tri tin cậy và gắn bó với Quốc hội hơn. Nếu đại biểu Quốc hội vì Nhân dân thì chắc chắn sẽ được Nhân dân tin yêu và tin tưởng.

Bốn là, ở góc độ cá nhân, trong những năm là đại biểu Quốc hội, ông Trí cho biết đã học được rất nhiều. “Tôi đã học được ở tập thể 500 đại biểu Quốc hội, trong đó có rất nhiều người giỏi, có trình độ, có năng lực và có trách nhiệm. Tôi học được rất nhiều từ lãnh đạo Quốc hội Khóa XIV mà cao nhất là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về năng lực và đặc biệt là sự tôn trọng, chia sẻ để tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình, có một nhiệm kỳ đáng nhớ. Đặc biệt, tôi học được rất nhiều ở cử tri và Nhân dân. Cử tri là người sẽ yêu cầu những gì đại biểu Quốc hội cần có, những nội dung gì Quốc hội cần quan tâm, giải quyết”.

Năm là, Quốc hội Khóa XIV đã thành công rực rỡ. Vậy nên, “tôi mong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV sẽ tiếp thu những thành công của Khóa XIV để tiếp tục thành công hơn nữa để được Nhân dân tin cậy hơn. Những điều quan trọng trong báo cáo mà Chủ tịch Quốc hội Nguyên Thị Kim Ngân đã đề cập, đặc biệt là hoạt động chất vấn, giám sát nhận được sự đồng tình của cử tri, Nhân dân. “Cần thấy Nhân dân không đến dự các buổi tiếp xúc cử tri, không nói ra những ý kiến cũng là lỗi của chúng ta. Trong Hội nghị Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ đã đề cập đến làm sao để việc tiếp xúc cử tri thực chất hơn, hiệu quả hơn”, ông nói.

Đánh giá cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Đoàn tỉnh Hải Dương) nhấn mạnh, các dự án Luật, pháp lệnh được thông qua rất phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, thể hiện tính kịp thời, tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo hành lang pháp lý cho đất nước phát triển.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng (Đoàn tỉnh Hải Dương) phát biểu.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, nhiệm kỳ này, hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ở các địa phương cũng được cử tri đánh giá rất cao. Hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng thể hiện rõ được trách nhiệm, thực chất hơn.

Để Quốc hội khóa tới tiếp tục đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn nữa, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện cơ chế, chính sách dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Để phát huy những hình thức giám sát, nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật Giám sát Nhân dân. Đồng thời, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, thân dân; lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân ủy thác; chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và Nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình.

Cùng với đó, coi trọng, phát huy thế mạnh đặc thù hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội/Nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan nhằm tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hiện đại hóa phương thức hoạt động, khai thác, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, từng bước hình thành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để đổi mới phương pháp, cải thiện tiến độ, chất lượng và hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; hướng tới xây dựng Quốc hội điện tử. Tổ chức, hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng số lượng, chất lượng của đại biểu chuyên trách, hoàn thiện địa vị pháp lý, chế độ cho đại biểu chuyên trách, lựa chọn đại biểu có tâm, có tầm, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và khát vọng vươn lên của dân tộc.