Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội Maldives đồng ý gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/2, Quốc hội Maldives đã phê chuẩn gia hạn sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày theo đề nghị của Tổng thống Abdulla Yameen để đảm bảo an ninh quốc gia và duy trì trật tự hiến pháp.

Trước đó, các quốc gia gồm  Mỹ,  Ấn Độ và Canada cùng với Liên Hợp quốc đã kêu gọi Tổng thống Yameen sớm chấm dứt tình trạng khẩn cấp tại Maldives.
Quốc hội Maldives ngày 20/2 gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày.
Trước đó, sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày đã được ban bố từ ngày 5/2, sau khi Tòa án Tối cao bất ngờ ra phán quyết trả tự do cho các thủ lĩnh đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb.
Tòa án tối cao cho rằng các cựu quan chức trên cần phải được thả cho đến khi có thể tiến hành các phiên tòa xét xử công bằng. Tuy nhiên, sau khi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố, tòa đã phải hủy phán quyết của mình.
Tổng thống Yameen đã ra lệnh bắt giữ Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed, thẩm phán Ali Hameed và cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.

Theo kế hoạch, Maldives sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới.
Lãnh đạo các công ty du lịch tại Maldives cho biết mỗi ngày hàng trăm phòng khách sạn đã bị du khách hủy sau khi quốc đảo này ban bố tình trạng khẩn cấp khẩn cấp 15 ngày từ ngày 5/2 mặc dù  cam kết đảm bảo an toàn từ chính phủ.
Phản ứng với quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Maldives,  Bộ Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ hy vọng Maldives đảm bảo tiến trình chính trị được khôi phục và có hiệu quả ngay lập tức.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Maldives tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào mà nước này có thể phải đối mặt sau khi gia hạn tình trạng khẩn cấp. 
Bộ trên nêu rõ: "Chính phủ đang cân nhắc về tính nghiêm trọng và các hậu quả từ quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời cam kết với cộng đồng quốc tế rằng quyết định này được đưa ra như một giải pháp cuối cùng sau quá trình xem xét nghiêm túc và toàn diện, để đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự hiến pháp, để duy trì các quy định của pháp luật và để bảo vệ hòa bình và ổn định quốc gia".