Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)

Công Thọ- Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 21/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trước khi tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự án Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và đã có Báo cáo đầy đủ số 588/BC-UBTVQH14 ngày 09/10/2020 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) để gửi đến các đại biểu Quốc hội.
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều, trong đó tập trung: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật; chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú; quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc về quản lý cư trú; rà soát các trường hợp quyền tự do cư trú cần bị hạn chế, việc bảo đảm thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú, các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú; quy định cụ thể hơn quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú; xác định rõ nơi cư trú của công dân, bổ sung, làm rõ nơi cư trú của một số đối tượng cụ thể, nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; rà soát, chỉnh lý quy định về điều kiện đăng ký thường trú, quy định rõ từng loại hồ sơ tương ứng với từng nhóm đối tượng, điều kiện đăng ký thường trú; rút ngắn thời gian thụ lý và giải quyết thủ tục hành chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho tổ chức và công dân, áp dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, cập nhật thông tin về cư trú của công dân; rà soát lại các trường hợp không được đăng ký thường trú mới, bổ sung địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ; rà soát quy định về các trường hợp xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; quy định rõ các trường hợp điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; chỉnh lý quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, các trường hợp cần khai báo, nội dung, thủ tục khai báo tạm vắng; xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú, trách nhiệm của người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; trách nhiệm quy định chi tiết về Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu giữa Cơ sở dữ liệu về cư trú với các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú làm điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Ngoài những nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, giải trình đầy đủ, chi tiết các ý kiến khác của đại biểu Quốc hội. Các nội dung này đã được thể hiện cụ thể tại Báo cáo số 588/BC-UBTVQH14.
Đi vào một số nội dung cụ thể, về nơi cư trú và quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 19 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ cơ sở pháp lý và thủ tục để thực hiện việc ghi nhận, xử lý các thông tin cá nhân, thông tin về cư trú của các đối tượng nói trên nhằm mục đích quản lý chính xác hơn tình trạng cư trú của công dân, nhất là thông tin về “nơi ở hiện tại”, qua đó, góp phần giúp công tác quản lý cư trú được hiệu quả và sát thực tế hơn, tạo cơ sở để các địa phương bố trí nguồn lực, tổ chức công tác quy hoạch và thực hiện một số chế độ, chính sách cụ thể đối với nhóm đối tượng này.
Về điều kiện đăng ký thường trú, qua thảo luận, hiện có 02 loại ý kiến về vấn đề này, cụ thể: Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân vì các đối tượng này lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích nhà ở. Do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thiết kế nội dung quy định về điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thành 02 phương án tương ứng với 02 loại ý kiến nói trên tại điểm b khoản 3 Điều 20 của dự thảo Luật để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.
Về thủ tục đăng ký tạm trú, hiện, cũng đang có 02 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú như Luật hiện hành tối đa là 02 năm để phân biệt với việc đăng ký thường trú. Người đăng ký tạm trú thường là những người chưa có ý định cư trú lâu dài, ổn định hoặc đăng ký cư trú vào những chỗ ở không có tính ổn định, lâu dài (như nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ). Do đó, việc yêu cầu những người này định kỳ đăng ký lại việc tạm trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú là biện pháp để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý cư trú, nắm chắc số liệu dân cư trên địa bàn, đồng thời đây cũng là giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân chuyển sang thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở đã đăng ký tạm trú khi đã có đủ điều kiện (hạn chế các trường hợp đăng ký thường trú một nơi nhưng lại thường xuyên cư trú dưới hình thức tạm trú tại một nơi ở khác). Đồng thời, cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định về hồ sơ và thủ tục gia hạn tạm trú. Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đồng ý với loại ý kiến này. Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định như trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú. Việc quản lý cư trú vẫn được bảo đảm thực hiện thông qua thông tin được khai báo, đăng ký trên Cơ sở dữ liệu về cư trú và qua các biện pháp nghiệp vụ, nắm địa bàn của cơ quan Công an ở địa phương. Dự thảo Luật đang được thể hiện thành 02 phương án tương ứng với 02 loại ý kiến về nội dung này tại Điều 27 và Điều 28 để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.
Trên cơ sở Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), để có căn cứ cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề nêu trong báo cáo và các nội dung khác mà đại biểu quan tâm trong dự thảo Luật./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần