Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Công Thọ-Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp trực tuyến, nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) cá đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 Quốc hội họp trực tuyến, nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định, trong đó tập trung vào 06 nhóm vấn đề.
Một là, quy định về tái phạm; nguyên tắc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần; thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong xử lý vi phạm hành chính.
Hai là, về hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt.
Ba là, về biên bản vi phạm hành chính; việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong phát hiện vi phạm hành chính; thời hạn ra quyết định xử phạt; việc tịch thu tang vật, phương tiện và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt, hết thời hiệu xử phạt, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt.
Bốn là, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Năm là, về đối tượng, thủ tục lập hồ sơ, thi hành và các quy định khác về việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Sáu là, trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ và xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính; việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, trên cơ sở thực tiễn thi hành, Chính phủ đã đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực mà theo quy định hiện hành có mức phạt tiền tối đa thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đối với một số lĩnh vực khác được các vị đại biểu Quốc hội đề nghị như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng..., qua tổng kết thi hành không thấy có vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về mức phạt tiền tối đa. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Về chức danh có thẩm quyền xử phạt, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của Kiểm toán nhà nước để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Kiểm toán nhà nước (Điều 48a); chỉnh lý quy định về thẩm quyền xử phạt của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Cạnh tranh (Điều 45a)...Đối với việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của Viện kiểm sát nhân dân cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ khi sửa đổi toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo
Về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, để vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, vừa bảo đảm quyền lực được kiểm soát và giới hạn, tương xứng với nhiệm vụ được giao, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định, dự thảo Luật bổ sung thêm 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Một số ý kiến tán thành bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, do còn có ý kiến khác nhau, dự thảo Luật xin thể hiện 02 phương án theo 02 loại ý kiến nêu trên để tiếp tục xin ý kiến Quốc hội.
Về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy được quy định theo hướng cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đã được thực hiện ổn định từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đến nay, đồng thời chỉnh lý để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy. Theo đó, đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; chỉnh lý quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp này (khoản 1 Điều 96) để tránh phát sinh mâu thuẫn do dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); đồng thời, bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đã thành niên nghiện ma túy. Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mà không quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trên cơ sở rà soát, đối chiếu với các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự, dự thảo Luật đã bỏ quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên nhiều lần thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép… Đồng thời, không quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm hành chính về an toàn giao thông đường bộ, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác và hành vi gây thiệt hại cho tài sản của người khác để tránh trùng lặp, bảo đảm phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.
Về tạm giữ người theo thủ tục hành chính, Dự thảo Luật bổ sung 04 trường hợp tạm giữ người, trong đó trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; trường hợp “tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” là phù hợp để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng các biện pháp này.
Về quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Dự thảo Luật quy định giao cho gia đình quản lý đối với người có nơi cư trú ổn định (giữ như hiện hành); đối với người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý. Đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc có nơi cư trú ổn định, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, kế thừa quy định của Luật hiện hành, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao cho gia đình quản lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp người bị đề nghị áp dụng các biện pháp này không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý, dự thảo Luật quy định giao Công an cấp huyện tổ chức quản lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính với các nội dung, trách nhiệm quản lý.
Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần