Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 25/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở Tờ trình số 152/TTr-CP ngày 16/4/2020 của Chính phủ về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, ngày 17/4/2020, Thường trực Ủy ban TCNS đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ về dự án Nghị quyết. Tiếp đó, ngày 28/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Nghị quyết.
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. 
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban TCNS, Chính phủ có Tờ trình số 212/TTr-CP ngày 14/5/2020 về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, ngày 19/5/2020, Thường trực Ủy ban TCNS đã gửi xin ý kiến các đồng chí thành viên Ủy ban về nội dung trên. Ủy ban TCNS đã tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết và xin báo cáo Quốc hội.
Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
Về hình thức ban hành chính sách: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp cần được xem xét, đánh giá trong tổng thể các chính sách chung đối với Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các loại thuế, các khoản thu khác đang áp dụng đối với đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Đồng thời, hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó bao gồm cả thay cho thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện hành. Trong khi chưa được các cơ quan tiến hành tổng kết, đánh giá và nghiên cứu một cách tổng thể để xây dựng chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp một cách phù hợp. Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm tiếp theo.
 Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. 
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện chính sách này là chưa thực sự phù hợp, vì đây là Nghị quyết quy định ngoài phạm vi của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2020. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về hồ sơ dự án Nghị quyết: Ủy ban TCNS cho rằng, Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu đính kèm đã đầy đủ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV).
Về nội dung dự thảo Nghị quyết: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đang được thực hiện theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 trên thực tế không gặp vướng mắc và có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Ngoài việc đầu tư quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động tại các vùng kinh tế có điều kiện khó khăn, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Những thành quả bước đầu đã góp phần khẳng định các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nước ta trong đó có chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là đúng đắn. Ủy ban TCNS nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết như đề nghị của Chính phủ.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH14 ngày 11/11/2016 về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay, Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, đề xuất chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật là chưa thực sự phù hợp.
Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận).
Tại Báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng không có số liệu về diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi. Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban TCNS đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề sau đây: Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết; Về đối tượng, thời hạn được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ủy ban TCNS báo cáo thẩm tra của về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần