Quốc hội nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/10, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức trước khi tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Cụ thể, về đối tượng là công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, theo pháp luật hiện hành, lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập cũng là công chức nhưng hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập và không được tính trong tổng số biên chế công chức, không được hưởng phụ cấp công vụ. Do đó có sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng chế độ, chính sách đối với cùng đối tượng quản lý (công chức), cùng đối tượng trong một đơn vị sự nghiệp công lập (công chức, viên chức).
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo tại hội trường.
Để tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân định rõ quản lý nhà nước và quản trị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra yêu cầu “Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước)”, việc nghiên cứu, sửa đổi quy định về đối tượng là công chức của Luật hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý là cần thiết.
Về chính sách đối với người có tài năng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, người có tài năng nói chung là một khái niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Vì vậy, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong Luật này là khó khả thi.
Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, xin Quốc hội cho bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.
Về phương thức tuyển dụng công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, căn cứ vào Luật Cán bộ, công chức và các luật hiện hành, Chính phủ đã có Nghị định số 140/NĐ-CP ngày 05/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Do đó xin Quốc hội tiếp tục giao Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này trong Nghị định để bảo đảm cụ thể, chi tiết, khả thi, phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý bổ sung điều kiện được tuyển dụng theo hình thức tiếp nhận là: phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm và có đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận và không trong thời hạn xử lý kỷ luật, trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật. Riêng đối với trường hợp đã là công chức từ cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển về cấp xã thì không phải đáp ứng điều kiện có đủ 5 năm công tác.
Về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức được bổ sung vào Luật để thể chế hóa yêu cầu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 nhằm xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, khoản 6 Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và giao Chính phủ quy định cụ thể.
Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, đề xuất quy định trong Luật nguyên tắc chung trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng).
Về quy định chuyển tiếp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ việc áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm Luật có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và tương thích với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, trong dự thảo Luật đã bổ sung Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp trong đó quy định: việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện theo quy định của Luật này.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm 01/7/2020 vẫn có thể bị xử lý theo quy định của Luật này nếu còn thời hiệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề sau tại Phiên thảo luận: chính sách đối với người có tài năng; phương thức tuyển dụng công chức; kiểm định chất lượng đầu vào công chức; xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu và các nội dung khác mà đại biểu quan tâm./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần