Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng: Phân cấp, phân quyền mạnh hơn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/11, thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng, Dự Luật còn quy định rườm rà, phức tạp nhưng vẫn có những kẽ hở cho đội vốn, thất thoát, chậm tiến độ các công trình xây dựng.

Tránh phá quy hoạch
Vấn đề được cho nhiều ý kiến là quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài; còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép…
Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), có một nghịch lý rất đáng suy nghĩ, đó là công nghệ xây dựng ngày càng cao hơn, chất lượng vật liệu xây dựng ngày càng tốt hơn nhưng tuổi thọ công trình lại ngắn hơn, thậm chí rất ngắn. Từ đó, ĐB đặt vấn đề tại sao hiện nay chúng ta có quá nhiều công trình chưa quyết toán, chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng? Đây là vấn đề Dự Luật phải có phương án để giải đáp.
 Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, với những công trình lớn, quy hoạch lớn, cần có quy định chặt chẽ, tránh xé lẻ làm phá đi quy hoạch. “Tôi mong muốn vùng nào là vùng lõi mật độ nhà cửa nhiều, chúng ta có thể bớt thay đổi vì mỗi lần thay đổi bên trong là sẽ ảnh hưởng kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, đền bù nhà cửa…
Trong khi khu mới mật độ xây dựng còn rất thấp, chúng ta hoàn toàn có thể biến thành những khu đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, để làm sao hình thành nên sẽ có vùng lõi là vùng cổ và vùng mới là vùng hiện đại” - Bộ trưởng nêu ý kiến.
Cùng liên quan đến nội dung này, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị sửa đổi các điều khoản theo hướng tích hợp quy trình cấp phép xây dựng đồng thời với công tác thẩm định thiết kế cơ sở để giảm bớt các quy trình, thủ tục không cần thiết.
Tránh buông lỏng quản lý
Một vấn đề khác được nhiều ý kiến quan tâm là Dự Luật cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho 63 Sở Xây dựng ở các tỉnh, TP trong thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Bởi lẽ, Bộ Xây dựng đang “quá tải” trong việc thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư công của tất cả các cấp, ngành và các dự án nhóm B trở lên của các tỉnh, TP. Nghĩa là, có đến hàng nghìn dự án một năm tập trung ở Bộ nhưng khi việc thẩm định thiết kế cơ sở rất ì ạch.
Theo ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị), bộ, ngành chỉ nên làm công tác ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, trừ công trình quan trọng quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn thì Bộ Xây dựng mới thẩm định thiết kế cơ sở, còn lại phân cấp cho 63 Sở Xây dựng các tỉnh, TP. Đồng thời nên xã hội hóa công tác thẩm định, quy định trách nhiệm rõ ràng về mặt vật chất. Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan tư vấn và kiểm toán trong công tác này.
Đồng thời, Dự Luật có bổ sung tiêu chí xác định công trình cấp bách; loại công trình này được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Các ĐB đề nghị rà soát các quy định về loại công trình này trong pháp luật có liên quan như đầu tư, đầu tư công, đấu thầu, phòng, chống thiên tai...
Bên cạnh đó, quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai.

Chiều 18/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo Nghị quyết, mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm trên 3%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông... Nghị quyết cũng định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước... (Công Thọ)


Cùng ngày, thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, trước tình trạng gia tăng quy mô, loại hình, tần suất và diễn biến bất thường, cực đoan của thiên tai, các ĐB đặt kỳ vọng Dự Luật lần này cần chú trọng đến các cơ chế phòng, chống. Trong đó, về công tác phòng, nên có quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác điều tra, khảo sát, dự báo, cảnh báo.