Quốc hội thảo luận Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Tranh luận về làm thêm giờ, tăng tuổi nghỉ hưu

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). 76 đại biểu (ĐB) đăng ký phát biểu và nhiều ý kiến tranh luận cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ĐB đến Dự thảo Bộ Luật này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Hà Thị Lan phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Làm thêm giờ, cần lũy tiến tiền lương

Một trong những nội dung được quan tâm của Dự thảo Bộ Luật là đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh), tăng giờ làm thêm phải xem xét ở góc độ đảm bảo hài hòa quyền của người lao động và người sử dụng lao động. Đây là vấn đề khó, cần xét trên bản chất vấn đề và tiến bộ xã hội. Theo ĐB, Quốc hội phải đưa ra chính sách để công nhân làm ít giờ nhưng thu nhập tăng lên, để người lao động có điều kiện tái tạo sức lao động, năng suất lao động tăng lên sẽ ưu việt, thỏa đáng hơn.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong Dự thảo, người lao động hoàn toàn có thể tự nguyện làm thêm giờ, không bắt buộc. Đồng thời, cũng cần đưa ra những quy định rõ ràng về những ngành nghề nguy hiểm như lái xe, lái máy bay… không được làm thêm giờ, vì phải đảm bảo sức khỏe. ĐB cũng nêu lên một thực trạng hiện nay, nhiều đối tượng không muốn nhưng vẫn phải làm thêm giờ, điển hình là cán bộ y tế. Từ phân tích thực tế, ĐB đưa ra con số trong ngành y tế có người làm thêm 1.000 giờ/năm, nhưng tiền trực vẫn quá thấp. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm.

Từ thực tế địa phương có nhiều khu công nghiệp, ĐB Dương Thị Bích Hạnh (đoàn Bình Dương) cho biết: Nếu luật không tăng khung, DN vẫn yêu cầu người lao động làm thêm giờ, nhưng lương lại không lũy tiến, dẫn đến thiệt thòi vẫn là người lao động. Cùng với đó, ĐB cũng đề nghị quy định thời gian làm việc chính thức tối đa không quá 44 giờ/tuần với người lao động trong khu vực DN (hiện là 48 giờ/tuần), tránh tạo khoảng cách lớn với khu vực Nhà nước (hiện là 40 giờ/tuần). Về tiền lương làm thêm giờ, nếu quy định như Dự thảo Bộ Luật là không khả thi. Nên quy định luôn là tăng lũy tiến tiền lương, để đảm bảo DN sẽ bố trí phù hợp, người lao động có thêm thu nhập.

Một số ý kiến đề xuất, cách tính lương có lũy tiến làm thêm giờ nên rõ ràng, như ngày nghỉ ít nhất là 300%, lễ, tết là 400%.

Tăng tuổi nghỉ hưu thế nào là phù hợp?

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vẫn là nội dung có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra. Đồng tình với đề xuất của Dự thảo Bộ Luật, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cho rằng, tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định khoảng 60 năm, trong khi hiện tuổi thọ đã tăng, điều kiện đất nước phát triển, tỷ lệ lao động trẻ cũng giảm, nên đây là thời điểm chín muồi để tăng tuổi hưu. Theo ĐB, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo thêm cơ hội cho phụ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm và tăng mức lương hưu khi thời gian đóng BHXH tăng.

ĐB cũng đề xuất xem xét quy định quyền nghỉ hưu sớm với một số nhóm lao động đặc thù và nên giao Chính phủ tiếp tục rà soát để điều chỉnh được toàn diện các nhóm ngành cần nghỉ hưu sớm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng cần thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về lao động, an sinh… ĐB Trương Phi Hùng (đoàn Long An) cũng cho rằng, tuổi hưu nên xem xét đối tượng của từng ngành nghề đặc thù và có lộ trình phù hợp để tránh gây sốc và ảnh hưởng đến thị trường lao động. Theo ĐB, tăng tuổi nghỉ hưu nên chia ra các nhóm lao động trong Nhà nước, ngoài Nhà nước… để tránh tác động đến lao động trẻ.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chỉ nên tăng tuổi hưu của nữ lên 58, nam đến 62 là đủ. Đồng thời, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, tính toán kỹ trên nhiều yếu tố, đặc biệt tính đến nhu cầu việc làm của giới trẻ. Chính phủ cần đánh giá rõ tác động tích cực và tiêu cực, phân rõ các nhóm lao động, giúp đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp… Theo ĐB, những đối tượng đến tuổi nghỉ hưu như luật hiện hành mà công việc năng suất không cao, Dự thảo Bộ Luật cần quy định để tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cho nghỉ hưu để ưu tiên việc làm cho người trẻ có năng lực.

Do Dự thảo Bộ Luật tác động đến đối tượng lớn, nên nhiều ĐB cho rằng, cần tiếp tục lấy ý kiến rộng hơn và đánh giá kỹ các chính sách mới. Đồng thời, đề nghị Bộ Luật nên thông qua theo quy định 3 kỳ họp, để đảm bảo Quốc hội có thời gian thảo luận phù hợp.
Đề xuất "phí chia tay" khi công dân ra nước ngoài 

Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Liên quan đến quản lý sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, theo các ĐB, trong toàn bộ Dự Luật, các quy định liên quan trình tự, thủ tục… khá đầy đủ, tuy nhiên, có một số quy định không được luật hóa trong Dự thảo. ĐB đề nghị Ban soạn thảo thêm các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng những loại hộ chiếu trên. 

Nêu hiện tượng công dân Việt Nam khi ra nước ngoài vi phạm luật pháp, vi phạm phong tục, tập quán của nước sở tại, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự Luật, chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành và trách nhiệm của công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài. ĐB cũng đề xuất, nên chăng Việt Nam cũng giống một số nước, là khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là “phí chia tay", khoảng 3 - 5 USD/người khi xuất cảnh.