Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quan điểm Quốc hội Khóa XIII không những trao trách nhiệm cho Quốc hội Khóa XIV sửa đổi những điều bất hợp lý trong Bộ luật Hình sự 2015, mà còn để lại một bài học về hậu quả khi phải chịu sức ép thời gian

 Ngày 26/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đa số các đại biểu (ĐB) bày tỏ đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là cho phép thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp thứ 3 sẽ thông qua.
Không vì áp lực thời gian
Với quan điểm Quốc hội Khóa XIII không những trao trách nhiệm cho Quốc hội Khóa XIV sửa đổi những điều bất hợp lý trong Bộ luật Hình sự 2015, mà còn để lại một bài học về hậu quả khi phải chịu sức ép thời gian, tuyệt đại đa số các ĐB đều cho rằng chỉ nên thông qua Bộ luật này khi đã xem xét và sửa đổi kỹ toàn bộ những bất hợp lý được phát hiện.
 Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Lê Quân phát biểu ý kiến. Ảnh TTXVN
Theo ĐB Sùng A Hồng (đoàn Điện Biên), không cần thiết phải thông qua ở một hoặc 2 kỳ họp để tránh gây sức ép về mặt thời gian. ĐB cho rằng, hiện Bộ luật Hình sự  1999 vẫn đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm, nên để xây dựng một bộ luật tiến bộ hơn, khoa học hơn thì cần chuẩn bị thật kỹ hãy thông qua.
ĐB Triệu Tuấn Hải (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, đây là đạo luật lớn quy định về tội phạm và hình phạt, là cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, nên nếu để xảy ra sai sót thì hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, việc sửa đổi phải căn bản, thận trọng, tránh sửa xong vẫn còn sai sót, đảm bảo chất lượng thì mới thông qua trong các kỳ họp tới.
Các ĐB Phạm Huyền Ngọc (đoàn Ninh Thuận), Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội) cũng nhấn mạnh không nên cứng nhắc trong sửa đổi 141 điều như Tờ trình nêu ra, mà nguyên tắc là phải loại bỏ hết các vướng mắc khi ban hành, sửa đổi, bổ sung tối đa những sai sót đã phát hiện được và tiếp tục rà soát để phát hiện đầy đủ hơn những sai sót của Bộ luật Hình sự 2015.
Băn khoăn tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Một trong những nội dung được nhiều ĐB cho ý kiến là về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 12 của BLHS năm 2015 liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắc Lắk) cho rằng, theo quy định tại Dự Luật sẽ không đảm bảo tính công bằng về chính sách hình sự, tính khoa học. Bởi cùng một loại tội phạm nhưng với tội này thì phải chịu trách nhiệm hình sự, còn tội khác có thể nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn nhưng lại không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, ĐB cho rằng, quy định này không phù hợp với thực tế tình hình tội phạm vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện trong thời gian qua. ĐB dẫn chứng, theo thống kê của cơ quan chức năng từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn quốc phát hiện 34.685 vụ, 59.562 người chưa thành niên phạm tội; riêng 6 tháng đầu năm 2016, cả nước phát hiện 2.582 vụ, 3.699 người chưa thành niên phạm tội. Điều này cho thấy xu hướng trẻ hóa tội phạm. Mặt khác, quy định như Dự Luật sẽ tạo kẽ hở cho các đối tượng phạm tội lợi dụng, sử dụng, lôi kéo người chưa thành niên vào thực hiện tội phạm. Do đó, ĐB đề nghị sửa lại khoản 2, Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 theo Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Cũng bàn về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh, thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng…, nên cần thiết phải giữ quy định này để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe. Về phạm vi các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, ĐB đề nghị giữ lại phạm vi các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đã được Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” mà không liệt kê một số tội phạm cụ thể như Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định này bảo đảm tính công bằng trong xử lý tội phạm.