Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi): Không để nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phải giải quyết cả tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu để đảm bảo công bằng, không để tình trạng “hạ cánh an toàn”.

Đó là ý kiến của nhiều ĐB Quốc hội tại phiên thảo luận tổ sáng 8/11 về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Nghỉ hưu là… hết trách nhiệm

ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) phân tích, trong Dự Luật còn có nhiều điều mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn trong phạm vi điều chỉnh thì không quy định giải quyết tố cáo với người đã nghỉ hưu nhưng trong Điều 4 về xử lý thì lại quy định xử lý cả cán bộ đã nghỉ hưu. Thực tế xử lý hình sự cũng đang xử lý cả cán bộ hưu, do đó Luật Tố cáo là luật gốc, phải quy định việc này. Không thể lý giải là Luật Cán bộ công chức chưa quy định xử lý với cán bộ về hưu nên Luật này không quy định. “Nếu không đưa vào thì chính chúng ta đã cắt bỏ cửa đầu tiên để xử lý những cán bộ về hưu. Đây là mong đợi của Nhân dân và hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, không thể để tháng này dân gửi đơn tố cáo cán bộ chưa xử lý, tháng sau dân gửi đơn tiếp thì nói cán bộ kia đã nghỉ hưu rồi nên không giải quyết nữa” - ĐB nói.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận tổ.  Ảnh:  Quốc Toản

Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội cho rằng, Bộ Luật Hình sự không phân biệt công chức hay nghỉ hưu, do đó Dự Luật Tố cáo (sửa đổi) không điều chỉnh giải quyết tố cáo với cán bộ đã về hưu là không hợp lý.

Theo ĐB Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội): "Đối với người nghỉ hưu, chúng ta cần có quy định giao một cơ quan nhất định thụ lý, xử lý mới đảm bảo được việc thực thi Luật Tố cáo đầy đủ, toàn diện, không để lọt sai phạm. Ngoài ra, trong quá trình những người nghỉ hưu mà có vi phạm, từ trước đến nay nếu là vi phạm hình sự thì đều chuyển các cơ quan thực thi pháp luật để xử lý, còn nếu vi phạm hành chính thì trong Dự Luật này cần có một quy định cụ thể về xử lý, không để lọt, không để những người cán bộ có nhiều vi phạm rồi khi nghỉ hưu thì hạ cánh an toàn”.

Công nghiệp 4.0 rồi, không thể để ngoài luật

Một nội dung cũng được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến là hình thức tố cáo quy định trong Dự Luật. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, việc đưa hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại vào Dự Luật với tình trạng nguồn nhân lực hiện nay thì xử lý không kịp, vì phải mất thời gian xác minh. “Điện thoại đâu có chữ ký, phải đi xác minh. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết hình thức này sẽ khó cho những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo... Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo liên tục đổ về điện thoại” - ông Khái nói.

ĐB Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội) tán thành với việc quy định 2 hình thức là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp để xác định rõ trách nhiệm người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan. Song bên cạnh đó, cũng đề nghị cần bổ sung, quy định rõ các hình thức tố cáo khác như qua hộp thư điện tử, điện thoại, fax, nếu có đầy đủ ngày tháng năm tố cáo, họ tên, địa chỉ người tố cáo thì các cơ quan phải thụ lý, giải quyết.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đang ở thời đại công nghiệp 4.0 thì việc tố cáo qua thư điện tử, tin nhắn… không thể đặt ra bên ngoài luật. “Người ta nhắn tin tên tuổi, địa chỉ, cho biết đã gửi đơn tố cáo việc này, việc kia cho các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo kiểm tra lại, cái đó được quá ấy chứ, tin nhắn rất rõ ràng. Thi thoảng tôi cũng nhận được và đều chuyển cho các cơ quan chức năng. Như chiều qua, tôi nhận được tin nhắn có tên tuổi, địa chỉ, nội dung tố cáo gửi 3 lần nhưng chưa được Chủ tịch tỉnh giải quyết. Tôi đã chuyển ngay tin nhắn đó cho Chủ tịch địa phương đó” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần