Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội: Không tăng trưởng bằng mọi giá

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thế nào đạt được tăng trưởng 6,7% như quyết tâm của Chính phủ? Phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước ngày 9/6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, muốn đạt được tăng trưởng phải có những giải pháp giúp tăng năng suất lao động và nâng cao nội lực cho nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, đây là năm bản lề hết sức quan trọng để tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Thêm vào đó là nhu cầu về phát triển nhanh để chống tụt hậu và tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho các giai đoạn sau, cũng như duy trì sự ổn định các cân đối lớn như nợ công, tài chính ngân sách, tạo việc làm, các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung.
 Sản xuất máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ khẳng định quan điểm là không thực hiện mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường, sự ổn định vĩ mô lấy tăng trưởng. Chính phủ xác định ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu và giải pháp căn cơ, căn bản là khơi dậy các tiềm năng, tận dụng được tối đa các cơ hội, lợi thế cho phát triển.

Giảm chi phí, tạo động lực cho DN

Đặt vấn đề: "Cứ 10 DN ra đời thì 9 DN rời khỏi thị trường". ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng có thực trạng này là do cán bộ cơ sở sách nhiễu DN và đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn để DN có điều kiện phát triển. “DN không thể hoạt động tốt, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, dẫn đến việc phải tăng khai thác vài triệu tấn dầu để tăng GDP”- vị ĐB này nhấn mạnh.
 Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến.
Nhiều ĐB đề nghị Chính phủ phân tích đầy đủ nguyên nhân chủ quan để thấy thấu đáo những hạn chế của nền kinh tế. ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chia sẻ, rất phân vân về chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017, đồng thời cảnh báo nguy cơ DN Việt Nam biến từ chủ thành khách trong chính ngôi nhà của mình. Theo ĐB nhận định, nhà đầu tư nước ngoài đang dần chiếm thế thượng phong trong thị phần bán lẻ ở Việt Nam, cả ở mạng lưới siêu thị và bán hàng trực tuyến. Thị phần đó cũng không ngừng tăng lên trở thành những con số đáng để chúng ta suy nghĩ. “Sự phụ thuộc ngày càng lớn và thua thiệt nhiều hơn. Nền kinh tế sẽ đón nhận những hậu quả khó lường. Một khi 80% lợi nhuận sau thuế về tay DN ngoại, chắc chắn nó sẽ được chuyển ra nước ngoài, nội lực của nền kinh tế sẽ giảm đi. Đóng góp của ngành bán lẻ lên đến 40% GDP chắc chắn sẽ khó duy trì”. Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị cần nhanh chóng có kế hoạch cụ thể hơn giám sát thực hiện các quy định của pháp luật trên thị trường bán lẻ, kịp thời ngăn chặn các hành vi thôn tính, phản cạnh tranh. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho DN Việt Nam trong bối cảnh các DN nước ngoài áp đảo về vốn, công nghệ, kinh nghiệm...

Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Nhấn mạnh nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế, nhưng theo các ĐB, trụ đỡ này đang yếu dần do nhiều tác động. Đây chính là nút thắt khiến tăng trưởng khu vực sản xuất chưa bền vững. “Hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, rồi đến thịt lợn, chuối, bí đỏ... danh sách nông sản ế thừa chắc chắn sẽ còn kéo dài, nếu không có được giải pháp căn cơ từ phía cơ quan quản lý”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nêu băn khoăn về thực trạng giải cứu nông sản vừa qua. Theo ĐB, lo đầu ra cho nông nghiệp cần xem xét nghiêm túc. “Sản xuất không có đầu ra thì sản xuất làm gì?"- ông Cương nói, đồng thời đề nghị dành thời gian chất vấn, tranh luận nhằm tìm giải pháp tiêu thụ nông sản để “sau này không phải nói nhiều chuyện này nữa".

Giải quyết vấn đề này, ĐB Tuấn Anh (Bình Phước) nhấn mạnh, trong bối hiện nay đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tiến lên sản xuất hàng hóa lớn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo tính toán, chi phí đầu tư một cơ sở nông nghiệp công nghệ cao từ 6 - 15 tỷ đồng một ha, tuỳ mô hình sản xuất. Chi phí lớn nếu DN không nhận được hỗ trợ từ chính sách, cơ chế, lãi vay… thì khó thực hiện được. Vị ĐB tỉnh Bình Phước kiến nghị, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện chính sách cần sớm triển khai, giúp DN sớm tiếp cận lãi suất ưu đãi.

Không thể làm 1 đồng, tiêu 3 đồng

Năm 2009, khi Luật Quản lý nợ công ra đời. Cũng từ thời điểm đó, tỷ lệ nợ công của Việt Nam liên tục tăng cao. Chính phủ phải dành một phần không nhỏ ngân sách Nhà nước (NSNN) để trả nợ nhưng vẫn không đủ mà phải đi vay để đảo nợ. Trong khi đó, theo ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), về nguyên lý thì các khoản nợ vay chỉ được chi cho đầu tư phát triển để sinh lợi và lan tỏa tới nền kinh tế thì những năm qua, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN tăng dần. Trong khi tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển lại giảm. Vị ĐB dẫn một con số rất đáng trăn trở, đó là trong cơ cấu NSNN năm 2016, chi đầu tư phát triển chỉ chiếm còn 19,72%, chi thường xuyên chiếm 61,15% và chi trả nợ, viện trợ chiếm 12%. Năm 2017, dự toán vay cho cân đối NSNN mà Chính phủ đặt ra là 316.300 tỷ đồng, trong đó, vay để bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc 144.000 tỷ đồng. “Tình trạng vay đảo nợ cho thấy Chính phủ đang gặp trục trặc về khả năng trả nợ” - ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ nhận xét.

Cũng nói về vấn đề mất cân đối ngân sách, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, nếu theo các chỉ số thì mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000 USD tiền nợ và xu hướng sẽ còn tăng trong những năm tới. “Mức bội chi ngân sách đang rất cao, gấp 3 lần tăng trưởng. Như vậy chúng ta làm 1 đồng nhưng tiêu đến 3 đồng. Trong khi tham nhũng, lãng phí còn lớn, là dấu hiệu đáng báo động” - ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cảnh báo.

Kiên quyết giảm mạnh bội chi

"Bội chi, nợ công tăng cao là do tình trạng kinh tế tăng trưởng không như dự kiến, giá dầu thô giảm, đặc biệt là giảm thuế quan theo lộ trình quốc tế, nhưng vẫn phải giữ nguyên các chỉ tiêu chi NSNN như bội chi, nợ công, chi đầu tư công… Riêng về chi thường xuyên, nếu năm 2011 có 11 nhóm an sinh xã hội thì 2016 có 21 nhóm an sinh xã hội làm cho chi thường xuyên tăng cao. Tới đây sẽ tiếp tục tiết giảm chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan T.Ư và địa phương. Bộ Tài chính sẽ ráo riết quản lý thu, trình Chính phủ ban hành quyết định về xe công, các giải pháp khoán chi, tinh giản bộ máy, biên chế và đẩy mạnh sự nghiệp công." - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Giải ngân chậm ảnh hưởng đến tăng trưởng

"5 tháng đầu năm 2017, giải ngân vốn NSNN được 76.260 tỷ đồng, đạt 21,3% dự toán của Quốc hội quyết định và 24,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công đang ngày càng cắt giảm, không còn cách nào khác là phải sử dụng hiệu quả, giải ngân nhanh nguồn vốn này vào nền kinh tế, tránh để ách tắc, lãng phí nguồn vốn." - ĐB Nguyễn Thị Phúc -  Bình Thuận

Có thể nới thêm 2% tăng trưởng tín dụng

Trước khả năng tăng trưởng chỉ có thể đạt 6,3% trong năm nay, giải pháp là Chính phủ tăng tổng cầu của nền kinh tế thông qua tăng mức tăng trưởng tín dụng thêm 2% so với tổng dư nợ tín dụng, bao gồm cả cho tiêu dùng, đầu tư. Tăng trưởng tín dụng thêm 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ vì lạm phát cơ bản đang diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này thì Chính phủ không tăng điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục từ nay tới cuối năm. Ngoài ra, xử lý nhanh nợ xấu để giảm lãi suất, tập trung thoái vốn, cổ phần hóa DNNN tăng nguồn lực cho ngân sách, thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư tư nhân.

(ĐB Trần Thị Phương Hoa - Hà Nội)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần