Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội: Tìm giải pháp phục hồi kinh tế

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030… Trong đó, nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid- 19 đã được phân tích, làm rõ thêm.

Thêm những chính sách mạnh mẽ
Các ĐB Quốc hội đều nhận định, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 thắng lợi toàn diện đã làm tiền đề rất tốt cho năm 2020. Do đó, dù nửa đầu năm nay ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 nhưng nước ta vẫn có nguồn lực để đầu tư và phát triển. Thực tế cho thấy, những tháng đầu năm nay, khi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,82%.
Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội: Tìm giải pháp phục hồi kinh tế - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Băng Tâm
Từ thực tế hiện nay, ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) đề xuất 5 giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Thứ nhất, cần có chính sách mạnh mẽ để phát triển vùng nguyên liệu trong nước để bảo đảm hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, tránh phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài. Thứ hai, đẩy mạnh hình thành và phát triển công nghiệp chế biến để duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, bảo đảm hàng hóa nông nghiệp sản xuất ra có kế hoạch ổn định, vững chắc. Thứ ba, chuyển sang từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn hay còn gọi nền kinh tế không rác thải. Đây đang là xu hướng của thế giới trong thời đại 4.0 mà Việt Nam cần sớm bắt nhịp. Thứ tư, phát triển kinh tế số với chính sách xã hội hóa, còn nếu chỉ tập trung vào một số DN lớn sẽ bế tắc, không phát huy được lực lượng lao động xã hội của DN vừa và nhỏ. Thứ năm, phát triển kinh tế du lịch và các dịch vụ khác...
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) góp ý, cần đánh giá được thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 để có giải pháp, không phải chỉ là hỗ trợ 1 triệu đồng cho lao động mất việc trong ngắn hạn mà căn cơ là vấn đề việc làm dài hạn của họ. Đồng thời, siết chặt chi tiêu thường xuyên, giải ngân đầu tư công phải có trọng điểm, cái gì cần đẩy mạnh chi tiêu, cái gì phải hoãn lại.
Từ phân tích thực trạng của nền kinh tế hiện nay, ĐB Thuận Hữu (đoàn Hải Phòng) đề cập đến cơ chế đón làn sóng đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam. Đồng thời cho rằng, vẫn còn những khó khăn, thách thức để có thể đón được "đại bàng". Cụ thể như các DN lớn không dễ đi khỏi Trung Quốc bởi đây là thị trường lớn, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn nguyên liệu phong phú và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Trong khi đó, các quốc gia khác cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng sẽ cạnh tranh với Việt Nam để đón làn sóng dịch chuyển. Theo ĐB, báo cáo của Chính phủ cần đề cập rõ hơn vấn đề này, phải có chiến lược rõ ràng hơn để đón dòng đầu tư dịch chuyển.
Đón dòng đầu tư mới
Phát biểu tại tổ của đoàn Bến Tre, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, lần này, Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020. "Dù vậy, trên cơ sở đánh giá diễn biến tình hình những tháng đầu năm và tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,8 - 7% năm 2020 như mục tiêu đặt ra. Cũng chắc chắn rằng ngân sách không thể thu được, thậm chí hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Để bảo đảm các yếu tố vĩ mô, theo Chủ tịch Quốc hội, nợ công phải ở phạm vi an toàn. Bội chi năm 2018 theo quyết toán rất thấp, là 2,8% GDP; năm 2019 kiểm soát bội chi ở mức 3,5% nhưng năm nay chắc chắn bội chi sẽ tăng lên vì hụt chi và vì nhiều khoản chi cấp bách phải thực hiện. Chẳng hạn, vừa rồi chúng ta “tung” ra gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là khoản chi không có trong dự toán chi được thông qua từ đầu năm… “Do đó, năm nay, Quốc hội nên giao Chính phủ có điều chỉnh trong điều hành. Chẳng hạn như điều chỉnh chi tiêu cục bộ, ở địa phương nào, bộ ngành nào mà không giải ngân được vốn đầu tư công, làm chậm chễ, thì Chính phủ sẽ được quyền điều chỉnh cục bộ…” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Trong phiên thảo luận tổ, tại đoàn Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ với nỗi lo của một số ĐB Quốc hội về những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế. Đồng thời thẳng thắn chỉ rõ, chúng ta có nhiều khuyết điểm, nhất là các dự án thua lỗ. Nhưng, theo Thủ tướng, phải có lộ trình, bước đi chặt chẽ để giữ ổn định. Có mặt không đúng nhưng có mặt chấp nhận thời điểm ấy để có thể khắc phục từng bước. Chính phủ ghi nhận ý kiến để xử lý tốt hơn.
Khẳng định Việt Nam có cơ hội đón dòng đầu tư mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết tâm chấn chỉnh những nhược điểm cố hữu, đặc biệt là chữa cho được căn bệnh trì trệ, sợ trách nhiệm. Liên quan đến nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, bộ nào, địa phương nào không làm tốt sẽ điều chuyển vốn đi chỗ khác, đồng thời xử lý trách nhiệm.
Về kế hoạch phát triển năm 2020, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm cho khó khăn của đất nước và thế giới chưa bao giờ lớn như thế, sẽ không đặt chỉ tiêu tăng trường 6,8%, mà phấn đấu cao nhất, từ 4 - 4,5%, có thể cao hơn.
"Năm nay, chúng ta mất khoảng 20 triệu khách du lịch quốc tế, nhưng không phải vì tiếc 20 triệu khách đó mà mở cửa ào ạt để lây nhiễm đến cộng đồng, phá vỡ thành quả chúng ta đã làm nên, đừng có tiếc những chuyện kinh tế mà hy sinh tính mạng người dân, đó là quan điểm nhất quán" - Thủ tướng trao đổi với các ĐB.
Đồng thời cũng nhấn mạnh ý chí quyết liệt, tinh thần đổi mới sáng tạo, khắc phục những tồn tại để năm nay đạt được kết quả tốt nhất, đặc biệt không đứt gãy để nền kinh tế Việt Nam đi xuống, giữ được trạng thái bình thường tạo đà cho nhiệm kỳ tới. Thủ tướng mong muốn Quốc hội đồng lòng với Chính phủ để kiên trì giải quyết những tồn đọng cũ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

"Giá thịt lợn tăng liên tục nhưng giá gia cầm, giá các loại thịt khác không tăng, thậm chí còn giảm. Việc này cần phải được xem xét xem lỗi từ đâu, từ cơ quan điều hành hay từ người tiêu dùng? Đề nghị Bộ NN&PTNT phải trả lời cho câu hỏi này. " - ĐB Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ)