Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Gỡ điểm nghẽn để phục hồi kinh tế

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ DN sau đại dịch Covid-19, khắc phục tình trạng trì trệ… đã được các ĐB đề xuất.

Thu hút đầu tư có chọn lọc
Các ĐB đều khẳng định, chúng ta đã trở lại trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Điểm cốt lõi của trạng thái này là cải cách thủ tục hành chính, phát huy lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, quản trị Nhà nước tốt, đang hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng…
Đề cập đến vấn đề đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài thời hậu Covid-19, ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, đây là một trong 5 mũi trọng tâm để phục hồi nền kinh tế đang được sắp xếp lại của các nước thời kỳ hậu Covid-19.
 Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị công bố hết dịch trong nước. Ảnh: Văn Điệp (TTXVN)
“Chúng ta cần phải có những chính sách thật sự hỗ trợ kịp thời để thu hút làn sóng đầu tư trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, bằng mọi giá phải đảm bảo lợi ích quốc gia thật sự bình đẳng với các DN. Đặc biệt, phải có kế hoạch cụ thể, lựa chọn đầu tư ở đâu, ở lĩnh vực nào trong quy hoạch phát triển của từng ngành, từng vùng và của cả nước, đồng thời phân định rõ trách nhiệm T.Ư phải làm gì, địa phương phải làm gì, DN phải làm gì để đón đầu”- ĐB nêu quan điểm.
Các ĐB cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm, bỏ vốn, tiếp tục triển khai, tránh lãng phí. Hiện nay, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư vào EU. Đây là cơ hội để nước ta tận dụng để khai thác thế mạnh cũng như đối phó được những thách thức, nhất là đối với khu vực hành pháp khi Hiệp định có hiệu lực thi hành.
Từ những kết quả chống dịch ở Việt Nam, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí và Việt Nam đã đảm bảo cả 3 tiêu chí này. Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người (hiện ta chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân); hai là tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (thực tế chỉ có 0,2 người) và thứ ba là không có người chết.
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta cần có lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh của Việt Nam là văn hoá, chính trị và kinh tế.
"Dọn tổ đón đại bàng” cũng nên “rắc thóc cho chào mào, chim sẻ"
Cũng đóng góp ý kiến về giải pháp để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, ĐB Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, cần tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của DN. Nhiều địa phương đã trải thảm đỏ cho các tập đoàn DN lớn đa quốc gia về đầu tư địa phương mình. Tuy nhiên, với những ưu ái đó sẽ có sự thiên lệch khi so sánh đối với DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.
Theo ĐB, thực tế, cơ bản hiện nay các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp, gây nên sự lúng túng dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định xem xét, giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của DN. Việc giải phóng mặt bằng chấp thuận đầu tư tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép xây dựng công trình thực tế cho thấy, phải mất trung bình từ 3 - 4 năm cho việc "chạy lòng vòng" và bước dần qua các thủ tục này làm DN thực sự cảm thấy "hụt hơi, nản chí". "Thiết nghĩ, chúng ta đang “dọn tổ đón đại bàng” thì cũng nên “vãi thóc cho chào mào, chim sẻ” để thực sự có một sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng DN trong nước phát huy nội lực, góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế" – ĐB lưu ý.
Các ĐB cũng cho rằng, khi Việt Nam được coi là điểm đến an toàn, có lợi thế đón sóng đầu tư nên có những hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn toàn cầu, có tiềm lực về tài chính và công nghệ đang quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đó là các ưu đãi mới có tính cạnh tranh với các quốc gia khác. Mạnh dạn xem xét linh hoạt, phát huy tối đa sự phân cấp và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở mức cao hơn.
Rà soát hệ thống pháp luật sửa đổi theo thủ tục rút gọn, một luật sửa nhiều luật đáp ứng tốt hơn cải cách môi trường kinh doanh. Dành nguồn lực cho hạ tầng chiến lược, kết nối liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng; hạ tầng viễn thông…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Quyết liệt thực hiện 3 nhóm vấn đề cốt lõi

Hiện nay, 3 vấn đề còn gặp nhiều khó khăn. Một là về nguồn cung ứng nguồn lao động; hai là cung ứng đầu vào; ba là vấn đề về thị trường. Để chủ động có các giải pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy các hoạt động kinh tế sau đại dịch Covid-19, cần triển khai thực hiện quyết liệt 3 nhóm vấn đề cốt lõi. Một là, củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, tránh phụ thuộc vào một số ít chuỗi cung ứng. Hai là, tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ các FTA đã ký, đặc biệt là CPTPP và EVFTA… để thúc đẩy xuất khẩu. Ba là, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử.


Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Không hy sinh môi trường vì kinh tế

Về bảo vệ môi trường, nhiều ĐB, nhà khoa học và Nhân dân đánh giá, Chính phủ đã nhận diện, xác định và trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành. Quan điểm, chủ trương chỉ đạo chung đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển và không hy sinh môi trường vì kinh tế. Dự Luật đã có nhiều vấn đề rất cụ thể, sát sườn như: Xử lý nước thải, nước sinh hoạt… Trong đó, đưa ra quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền. Cùng với đó, Nhà nước cam kết đầu tư vào môi trường; Nhân dân là trung tâm triển khai thực hiện, trong đó có vai trò giám sát.


ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Nếu nỗ lực, có thể đạt tăng trưởng 5,2%

Trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn nổi lên là nước dẫn đầu về tốc độ phát triển kinh tế. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đã có nghiên cứu công bố và dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt 4,8%, nếu nỗ lực Việt Nam có thể đạt 5,2% như mục tiêu Chính phủ đề ra. Để biến cơ hội trên thành hiện thực, phải có các giải pháp đặc biệt để các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước. Chính phủ cũng cần lựa chọn và hỗ trợ một số DN trong nước có đủ tiềm lực để tiếp nhận, sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất, để biến các nhà đầu tư nước ngoài thành một phần của các tập đoàn trong nước. Đồng thời, tăng cường tiềm lực về nguồn vốn cho các DN trong nước từ nguồn vốn vay quốc tế.