Tường thuật Quốc hội thảo luận về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: Cần nghiên cứu lại chính sách khấu hao

Thảo Nguyên - Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (28/5), Quốc hội dành trọn 1 ngày tiến hành thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2016.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016.

Trước đó, thực hiện kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và một số DNNN; làm việc với Thường trực Chính phủ, nghe báo cáo về kết quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 – 2016.

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá: DNNN chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế.
Việc quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp (bao gồm quyền sử dụng đất) theo Chính phủ thì về cơ bản được thực hiện theo pháp luật quy định nhưng qua công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước cho thấy vẫn còn sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản. Tập trung ở một số khâu như thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản cố định không đúng quy định của Nhà nước, sai thẩm quyền, sai đối tượng cho phép, hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh không đúng bản chất thực tế; trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm quản lý kinh tế và vi phạm pháp luật; huy động, quản lý, sử dụng vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, tổng số nợ phải trả của DNNN cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1.292.400 tỷ đồng lên 1.628.649 tỷ đồng); hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%). Lũy kế tính đến 31/12/2016, DNNN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án...
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Khai thiếu tài sản đất đai khi cổ phần hóa

Việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản nhà nước, là nguồn lực rất quan trọng được quản lý sử dụng từng bước có kỷ cương chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, đây luôn là vấn đề nhức nhối, xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm. Nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước buông lỏng quản lý để hoang, sử dụng sai mục đích nhiều khu đất có giá trị. Bán, cho thuê nhiều nhà đất công không đúng đối tượng, giá thành quá thấp gây thất thoát, lãng phí lớn. Bên cạnh đó là tình trạng định giá tài sản công không đúng trong cổ phần hóa DNNN.

Theo kết quả giám sát, đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá trong 6 năm qua, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết DNNN đều tăng sau bán vốn Nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động 33%... Cuối 2016 cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 doanh nghiệp cổ phần.

Tổng tài sản tại DNNN giữ 100% là hơn 3,05 triệu tỷ đồng (tăng 45,8%), trong đó vốn Nhà nước gần 1,4 triệu tỷ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng; có những tập đoàn tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%...

Qua 11 năm triển khai bán vốn nhà nước, công tác bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp, đến 30/9/2017 kết quả bán vốn thu được gấp 3,4 lần giá vốn.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, không phải lúc nào, việc cổ phần hóa cũng diễn ra trơn tru, thuận lợi. Ở một số nơi vẫn cho thấy những bất cập như tình trạng chưa định giá đúng giá trị doanh nghiệp, bất cập xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần. “Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, sai phạm trong xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp. còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau cổ phần hoá, doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm...” Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Song không phải việc cổ phần hoá đều diễn ra thuận lợi. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều Tổng công ty tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài

Đến tháng 8/2017, còn 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký lưu ký và giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; chậm bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC.

Xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị DN không đúng

Phát biểu thảo luận, các đại biểu đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội là Kiện toàn pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước; kiện toàn mô hình hoạt động của SCIC; xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm; quản lý chặt vấn đề sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước;...

Đề nghị chỉ đạo cấm và xử lý nghiêm các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước, cũng như làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.

Kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; giao Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về “Việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” và hàng năm báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện của Quỹ.

Cần nghiên cứu lại chính sách khấu hao

Phát biểu tại nghị trường, ĐB Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) đề cập đến tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ.

 ĐB Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho rằng, cần nghiên cứu lại chính sách khấu hao.

ĐB đặt vấn đề: "Nhiều Bộ ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là sân sau. Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan quản lý Nhà nước vừa “đá bóng, vừa thổi còi”.

Nữ ĐB nhấn mạnh: Bảo toàn vốn doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn chỉ bảo tồn vốn, tài sản trên sổ sách còn giá trị thực tế giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết. Bà đề nghị, chính sách khấu hao cần nghiên cứu lại để vốn bỏ ra tương đương một chiếc ôtô thì 10 năm sau vốn đó vẫn phải đủ giá trị mua chiếc xe tính năng tương đương.

Đến cuối năm 2016 Vinashin có nợ quá hạn 8.180 tỷ đồng

Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, báo cáo của Đoàn giám sát đã khái quát kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế của tình hình sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp cũng như việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo, ĐB Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội sửa Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước.

“Đồng thời tính toán nguồn vốn bổ sung cho các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nguồn vốn từ việc cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp; cần đảm bảo chủ trương doanh nghiệp nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực then chốt thiết yếu, những địa bàn quan trọng về an ninh quốc phòng”, ĐB nhấn mạnh.

 ĐB Hoàng Quang Hàm cho biết, Đề án tái cơ cấu Vinashin được phê duyệt năm 2010 nhưng đến nay việc vực dậy tập đoàn này vẫn khá chật vật.

Cùng với đó, vị Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ quy định rõ chức năng nhiệm vụ của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), không để công ty này đầu tư vào những lĩnh vực không then chốt và nhà nước đang thoái vốn.

ĐB đoàn Phú Thọ đặc biệt lưu ý: "Cần cân nhắc không nên để tình trạng cùng là doanh nghiệp nhà nước nhưng một bên ra sức thoái vốn, một bên lại mua vào", đại biểu Hàm nêu quan điểm.

Mặt khác, ĐB Hoàng Quang Hàm cũng đề nghị, cần rà soát và xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của tập đoàn, tổng công ty; không chỉ có 12 dự án của ngành Công thương hay Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Vinashin mà cần rà soát tổng thể, qua đó đảm bảo không để mất vốn do thua lỗ kéo dài, hao mòn tài sản, chi phí lãi vay.

ĐB cho biết: "Tôi đi tiếp xúc cử tri tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), cử tri rất bức xúc trước việc 50 ha bờ xôi ruộng mật đã di dời làm nhà máy Ethanol. Dự án chi hàng hàng nghìn tỷ đồng nhưng đã dừng triển khai 5, 6 năm nay, nhà xưởng thiết bị máy móc đắp chiếu, rất xót xa". Một dẫn chứng khác được ĐB nêu sau khi đi giám sát là: "Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ cho thấy vẫn tiếp tục thua lỗ lớn".

Từ thực tế trên, ĐB cho rằng "Chính phủ cần quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm vì càng để lâu hậu quả càng nghiêm trọng".

ĐB nói: Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, được khởi công xây dựng từ quý III/2009 trên diện tích 50 ha (huyện Tam Nông, Phú Thọ). Dự án có vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.700 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỷ. Tháng 11/2011 dự án tạm ngừng hoạt động khi thi công được 80% công trình. Tổng nợ phải trả đến hết tháng 12/2016 của dự án này gần 830 tỷ đồng.

Về Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Vinashin, đây từng là một trong những tập đoàn kinh tế lớn, nhưng đã sa lầy vào các dự án dầu tư không hiệu quả, vốn đầu tư dự án chủ yếu đi vay… Vay nhiều, đầu tư thua lỗ đã nhìn thấy rõ, nhưng phải tới năm 2010 bức tranh tài chính tối tăm tại Vinashin mới thực sự lộ rõ qua đợt thanh tra của Chính phủ.

Theo báo cáo, tính tới cuối năm 2009, tổng tài sản của tập đoàn là hơn 104.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 80% (86.000 tỷ đồng) là nợ phải trả. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinashin dựa hoàn toàn vào vốn vay. Bên cạnh đó, đến hết năm 2009, Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng.

Đề án tái cơ cấu Vinashin được phê duyệt năm 2010 nhưng đến nay việc vực dậy tập đoàn này vẫn khá chật vật. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2016 Vinashin có nợ quá hạn 8.180 tỷ đồng.

DNNN kém hấp dẫn do yếu tố nội tại

Tại phiên thảo luận sáng nay, ĐB Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) khẳng định, ông cơ bản nhất trí với Báo cáo kết quả giám sát về những tồn tại, hạn chế, cũng như kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật sắp xếp tổ chức DN.

Tuy nhiên, ĐB cho rằng, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa còn cao, sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược còn rất hạn chế. “Tuy số doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa đạt kết quả cao, song theo số liệu bán cổ phần lần đầu của 426 DN, thì trong tổng số vốn điều lệ, Nhà nước vẫn nắm giữ đến 81,1%, và có đến 70% DNNN nắm giữ trên 90%”, ĐB dẫn chứng.

Theo ĐB đoàn Quảng Ninh, kết quả như vậy là chưa đạt yêu cầu của chủ trương cổ phần hóa DNNN, vì khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông tăng thì họ mới có động cơ cải thiện kết quả hoạt động của doanh nghiệp và chỉ khi đó họ mới có thực quyền trong việc tham gia cải cách mô hình quản trị doanh nghiệp.

 ĐB Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, bản thân DNNN kém hấp dẫn do những yếu tố nội tại.

ĐB cho rằng: Trong số chưa đầy 20% vốn điều lệ sau bán cổ phần lần đầu của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước nắm giữ, các nhà đầu tư chiến lược chỉ chiếm 7,3%. Việc tăng tỷ trọng của nhà đầu tư chiến lược có vai trò cực kỳ quan trọng, vì họ không chỉ mang lại nguồn tài chính, mà thực sự mới là người đem lại cho doanh nghiệp công nghệ, phương thức quản trị hiện đại, thị trường mới, qua đó đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, phần lớn tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nhỏ, làm giảm sự quan tâm của họ. Tỷ lệ chào bán ra ngoài dưới mức chi phối cũng làm giảm sự thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư muốn chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Do đó, cần tiếp tục rà soát tách bạch những lĩnh vực nhà nước cần chi phối và những lĩnh vực cần huy động vốn từ xã hội. Duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại DN ở mức hợp lý nhằm huy động các nhà đầu tư tích cực tham gia cổ phần hóa.

“Bản thân DNNN kém hấp dẫn do những yếu tố nội tại. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị DN khi cổ phần hóa chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng giá trị của DN; cùng với việc chưa công khai, minh bạch trong tiến trình bán cổ phần ra bên ngoài; quá trình cổ phần hóa kéo dài, phức tạp, nhiều yêu cầu khó khả thi. Đó là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư e ngại và chúng ta phải có giải pháp khắc phục khả thi, ĐB đoàn Quảng Ninh nêu.

Do đó, ĐB Trần Văn Minh cho rằng: Cần quy định tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bao gồm với cả nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Cần bảo đảm sự bình đẳng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước, cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như nhà đầu tư trong nước; cũng như được sở hữu DN tại một số ngành không thiết yếu. Bên cạnh quy định tạo điều kiện cho nhà đầu tư chiến lược, thì cũng cần có quy định về chế tài xử lý khi họ không thực hiện đúng cam kết, gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động tại DNNN được cổ phần hóa…

Quản lý chặt quỹ đất khi cổ phần hóa DNNN

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến định giá đất, quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu.

Bộ trưởng cho biết, trước đây do hạn chế trong các quy định của pháp luật về đất đai, nên trong quá trình tiến hành rà soát quỹ đất, sử dụng đất để cổ phần hóa DNNN chưa có sự đánh giá về giá trị đất đai, dẫn đến khi tính toán giá trị doanh nghiệp, không tính toán được giá trị đất để tiến hành cổ phần hóa...

Để khắc phục hạn chế trên, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP, qua đó việc quản lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được thực hiện chặt chẽ hơn, trong đó, quy định cụ thể phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa DNNN trước khi cổ phần hóa; việc xác định giá đất khi cổ phần hóa phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy định của địa phương, công bố công khai, minh bạch;...

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cùng các cơ quan hữu trách cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án cổ phần hóa, nếu phát hiện vấn đề thiếu minh bạch, không phù hợp sẽ có biện pháp xử lý; có giải pháp giải quyết vấn đề đất đai nông lâm trường;...

Cũng trong phiên thảo luận sáng 28/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình một số vấn đề liên quan đến việc quản lý phần vốn của nhà nước đối  với một số doanh nghiệp thuộc chức năng quản lý của Bộ.

Theo Bộ trưởng, trong quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật; sự chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp; dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", chất lượng đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, thua lỗ, mất mát vốn, lãng phí, thậm chí sai phạm...

Việc định giá DNNN không thể chính xác 100%

Tranh luận với ý kiến của một số đại biểu đăng đàn trước mình, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Công ty cổ phần Tasco cho rằng, việc định giá DNNN không thể chính xác 100%, chỉ có thể tương đối và sát với thị trường.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng cho rằng, việc định giá DNNN không thể chính xác 100%.

ĐB Phạm Quang Dũng nhấn mạnh: "Đây là vấn đề trừu tượng và khó, ngay cả thuê tư vấn nước ngoài cũng không thể đưa ra được dữ liệu sát thực thị trường nhất. Giá xác định đem ra đấu giá chỉ nên để tham khảo, là giá sàn khi đấu giá.

Theo Chủ tịch Công ty cổ phần Tasco, mất vốn Nhà nước nằm ở khâu tổ chức đấu giá chứ không phải xác định giá trị doanh nghiệp, do vậy đại biểu này đề nghị phải xây dựng lại quy trình đấu giá cổ phần doanh nghiệp khi đưa lên sàn.

15 đại biểu phát biểu

Kết thúc phiên làm việc buổi sáng 28/5, có 15 đại biểu phát biểu thảo luận, 1 đại biểu phát biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, các đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ); Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang); Trần Văn Minh (Quảng Ninh); Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa); Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Võ Đình Tín (Đắc Nông), Mai Hồng Hải (Hải Phòng); Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Bế Minh Đức (Cao Bằng), Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh),... bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Đoàn giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội khẳng định công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Qua đó các đại biểu đề xuất nhiều nội dung để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhằm thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, như: Kiện toàn hệ thống quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, cổ phần doanh nghiệp nhà nước (xây dựng Luật cổ phần hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước,...); kiện toàn mô hình hoạt động của SCIC; xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản của nhà nước; quản lý chặt vấn đề sử dụng đất trước, trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; định giá đúng tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa; đảm bảo công khai, minh bạch việc mua bán tài sản, thoái vốn của nhà nước; di dời các doanh nghiệp trong nội thị ra các khu công nghiệp; định giá đúng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, cổ đông, người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa DNNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa DNNN...  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần