Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Kết quả có 392/447 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội (chiếm 81,16%). Trong số đại biểu tham gia biểu quyết có 39 đại biểu không tán thành (chiếm 8,07%); 16 đại biểu không biểu quyết (chiếm 3,31%) với dự thảo Nghị quyết.
 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội gồm 9 điều. Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết là tại Điều 1 đề cập thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Theo đó, chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường.
Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.
Về cơ sở chính trị - pháp lý của việc thí điểm, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, bên cạnh phần lớn các ý kiến đại biểu tán thành việc trình Quốc hội ban hành dự thảo Nghị quyết thí điểm thì có ý kiến tuy tán thành với chủ trương cải cách tổ chức bộ máy nhà nước nhưng cho rằng, cơ sở chính trị - pháp lý của việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở phường chưa vững chắc; đề nghị Quốc hội cẩn trọng khi xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết này bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
 Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, một trong những chủ trương lớn của Đảng hiện nay là đẩy mạnh cải cách để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định”.
Để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII) đã đề ra nhiệm vụ “tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện”.
Trên cơ sở đó, theo đề nghị của Thành ủy TP Hà Nội, Bộ Chính trị đã phê duyệt Đề án thí điểm quản lý theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và giao Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội trong năm 2019 ban hành Nghị quyết về vấn đề này.
Căn cứ vào Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Quốc hội cho thực hiện thí điểm việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội để có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm.
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được thực hiện từ ngày 01/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm./.