Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2018, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và tiết kiệm để cải cách lương.
Điều hành thận trọng chính sách tài khóaCùng với đó, Nghị quyết cũng đưa ra những con số phấn đấu như tổng số thu NSNN năm 2018 là 1.319.200 tỷ đồng; tổng số chi NSNN là 1.523.200 tỷ đồng; mức bội chi NSNN là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách T.Ư là 195.000 tỷ đồng, tương đương 3,54% GDP, bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng, tương đương 0,16% GDP. Tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là 363.284 tỷ đồng.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện thu, chi theo đúng dự toán, siết chặt kỷ luật tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên như khoán xe công, giảm hội họp, đi công tác nước ngoài... Cùng với việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng cho đối tượng do NSNN bảo đảm và trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh tăng bằng mức tăng lương cơ sở.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Trong Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ giao các bộ, cơ quan T.Ư và các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao. Đồng thời, Chính phủ cần điều hành thận trọng chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán NSNN đúng quy định của pháp luật. Nghị quyết cũng nhấn mạnh: Chính phủ tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật về thuế theo hướng cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm tính trung lập của thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN...; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển…
Đề nghị xúc tiến quy hoạch ngay một TP sân bay Long ThànhNgày 13/11, thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bên cạnh vấn đề tiền để làm dự án, nhiều ĐB còn băn khoăn khi vẫn thiếu các dữ liệu chi tiết, chắc chắn về quy mô đất cần thu hồi, tổng mức bồi thường, phương án tái định cư...
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), báo cáo tiền khả thi chưa đưa ra đầy đủ đánh giá tác động của dự án. Do đó, cần tính toán kỹ giữa cái được và mất khi quy hoạch 2 khu tái định cư. Theo ĐB phân tích: Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy khi hình thành một sân bay quốc tế từ 25 - 50 triệu khách sẽ hình thành TP sân bay với sự phát triển của các trung tâm thương mại, logistics... Sân bay Long Thành được quy hoạch với lưu lượng đến 100 triệu hành khách, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ chắc chắn sẽ hình thành phát triển khu đô thị mới theo hướng dịch vụ và các trung tâm phát triển thành TP sân bay hàng nghìn héc ta. Tuy nhiên, việc hình thành khu tái định cư ở Bình Sơn với diện tích 289,79ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành TP sân bay hiện đại trong tương lai.
Do đó, theo ĐB Hoàng Văn Cường, chỉ nên quy hoạch một khu tái định cư, điều chỉnh lại quy mô các lô đất quy hoạch tái định cư. Đồng thời, Chính phủ cần sớm xúc tiến quy hoạch ngay TP sân bay Long Thành song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành. Việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm nghìn tỷ đồng mà còn giúp hình thành trung tâm hiện đại ở khu vực Đông Nam Bộ.
Các ĐB cũng băn khoăn với việc làm thế nào để chống tái lấn chiếm đất sau khi GPMB dự án; liệu có phát sinh thêm nguồn vốn... Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, dự án sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia nên khi thực hiện sẽ rất thận trọng. Sau khi Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ phê duyệt thì Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc để tổ chức thực hiện công khai, minh bạch.
Chiều 13/11, các đại biểu thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật: Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết sớm cho ra đời 2 dự án luật này, nhất là trong thời điểm thế giới bước vào giai đoạn hội nhập, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. |