Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về Xóa bỏ lao động cưỡng bức

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 8/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Kết quả biểu quyết cho thấy 458/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,82% tổng số đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.
 Các đại biểu tham gia biểu quyết
Trình bày dự thảo Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 25 tháng 6 năm 1957 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Về áp dụng điều ước quốc tế, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105.
 Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên họp
Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Nghị quyết giao Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước số 105, phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 105; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 105 và những nội dung liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc gia nhập Công ước số 105 và thông báo thời điểm Công ước số 105 có hiệu lực đối với Việt Nam.
Để giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần