Quốc Oai cam kết hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn mắc dịch tả châu Phi trong 5 ngày

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/3, Đoàn kiểm tra liên ngành TP đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất.

Đoàn kiểm tra liên ngành TP kiểm tra tại chốt kiểm dịch tạm thời xã Phượng Cách, Quốc Oai.
Tại huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn huyện có 179 trang trại, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 57 trang trại nuôi lợn và tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 73.267 con.
Hiện nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra dịch nhưng trước những diễn biến phức tạp và tình hình lây lan nhanh của dịch bệnh, huyện Thạch Thất đã chủ động đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, chuẩn bị kinh phí, vật tư và lên phương án xử lý khi xảy ra dịch. Đồng thời tiến hành tổng tẩy uế môi trường, phun sát trùng tại các điểm có nguy cơ cao để ngăn chặn dịch lây lan.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để giúp người dân hiểu bản chất cũng như ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, không quay lưng lại với thịt lợn vì dịch tả lợn châu Phi không ảnh hưởng tới sức khỏe con người nếu như chúng ta sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng các sản phẩm tái sống, chưa được nấu chín kỹ... Đồng thời thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại các chợ, điểm kinh doanh nhỏ trong thôn xóm để theo dõi tình hình kinh doanh các sản phẩm gia súc, gia cầm cũng như việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào trên địa bàn huyện.
Chiều cùng ngày, Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại huyện Quốc Oai, địa phương vừa mới phát hiện dịch tả lợn châu Phi ngày 12/3. Qua kiểm tra cho thấy, chính quyền địa phương đã làm khá tốt việc ngăn chặn, khống chế ổ dịch. Ngoài tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc dịch, rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng, địa phương còn lập chốt kiểm dịch tạm thời ở 2 xã có dịch là Yên Sơn và Phượng Cách. Chốt kiểm dịch tổ chức trực 24/24 giờ, nghiêm cấm chủ hộ không được bán chạy, không di chuyển đàn gia súc đi nơi khác, không giết mổ, vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường.
Tại buổi kiểm tra, ông Phạm Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 3.395 hộ chăn nuôi lợn, 5 trại chăn nuôi gia công cho Công ty CP, 323 hộ kinh doanh thịt lợn, 45 hộ chế biến giò chả, xúc xích và các sản phẩm từ thịt lợn. Với đặc điểm chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc kiểm soát dịch bệnh khá khó khăn.
Chia sẻ về nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại 2 xã trên địa bàn, ông Tuấn cho rằng, có thể là do người dân lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn về cho lợn ăn. Trước tình hình này, huyện đã chỉ đạo các xã yêu cầu người dân ký cam kết không sử dụng thức ăn thừa cho lợn. Trường hợp dùng thức ăn thừa phải cam kết phải xử lý qua nhiệt và bảo quản không để vương vãi trên đường vận chuyển.
Về việc hỗ trợ cho các hộ có lợn mắc dịch tả châu Phi buộc phải tiêu hủy, ông Tuấn cho biết, huyện đã cam kết chi trả cho các hộ trong vòng 5 ngày, kể từ ngày tiêu hủy. Số tiền hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách dự phòng thiên tai của huyện.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi không bùng phát và lây lan, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian này mà huyện cần phải làm là tiến hành tổng tẩy uế môi trường, nhất là ở các khu chăn nuôi lớn, bãi rác, các cửa hàng kinh doanh động vật; lập chốt kiểm soát để cho lưu thông bình thường đối với lợn, sản phẩm thịt lợn đủ điều kiện; tiến hành hỗ trợ các hộ thiệt hại... Đặc biệt, sử dụng các bài truyền thanh về dịch tả lợn châu Phi tránh gây hoang mang cho người dân, quay lưng lại với thịt lợn, tập trung tuyên truyền về "ăn chín uống sôi", "5 không", "4 tại chỗ" để phòng chống, ngăn chặn dịch hiệu quả.