Quốc Oai nâng giá trị sản phẩm OCOP

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Quốc Oai có 48 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được công nhận từ 3 - 4 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Các sản phẩm OCOP của huyện Quốc Oai thu hút sự quan tâm của nhiều DN tại Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngày 30/3.
Lan tỏa lợi ích từ sản phẩm OCOP
Là đơn vị được TP chấm điểm sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao, Giám đốc Hợp tác xã nấm, đông trùng hạ thảo Biofine (xã Sài Sơn) Nguyễn Huy Chiều cho biết, mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường 6 tấn mộc nhĩ khô, 3 tấn nấm sò và 40kg đông trùng hạ thảo khô; doanh thu đạt hàng tỷ đồng. “Lợi ích lớn nhất khi tham gia Chương trình OCOP là giúp chúng tôi nâng cao ý thức trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao để cung cấp đến người tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở thuận lợi để HTX tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước” – ông Chiều cho hay.

Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm thịt lợn sinh học của HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP ký kết hợp đồng tiêu thụ. Theo Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường, với mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX luôn duy trì chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ khâu chọn con giống đến giết mổ, sơ chế, đóng gói. Hiện, mỗi tháng, HTX cung ứng cho thị trường 13 - 15 tấn thịt lợn sinh học và sản phẩm chế biến từ thịt lợn như xúc xích, giò chả; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, đến thời điểm này, huyện đã có 48 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được công nhận đạt chuẩn OCOP. Ngoài ra, huyện có 17 làng nghề truyền thống những sản phẩm tiềm năng như: Đồ gỗ, mộc dân dụng, nan cót, mây tre giang đan, dệt len, chế biến nông sản… Đây là những sản phẩm tiêu biểu của huyện, hứa hẹn đạt chuẩn OCOP trong những năm tiếp theo.

Tăng cường hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, các sản phẩm được công nhận OCOP đã và đang góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, mở ra cơ hội để các HTX, DN đầu tư sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng tới xuất khẩu. Chia sẻ về những giải pháp phát triển, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, thời gian tới, huyện sẽ rà soát, hỗ trợ vốn cho các làng nghề, HTX có sản phẩm được công nhận OCOP xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, kêu gọi các DN trong và ngoài huyện đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm.

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Quốc Oai tổ chức các điểm bán hàng tại trung tâm thị trấn, cụm công nghiệp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến đông đảo Nhân dân. Hiện tại, huyện tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, HTX tham gia chương trình xúc tiến thương mại, liên hệ với một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho HTX, nông hộ. Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, năm 2021, Quốc Oai xây dựng cơ chế hỗ trợ cho sản phẩm được xếp hạng sao, tập trung vào ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, mặt bằng sản xuất cho các chủ thể...