Quốc tế nhớ về Người

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh nhật lần thứ 130 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/5 đến gần, trở thành cơ hội để bạn bè quốc tế bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vị Lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, cũng như lý tưởng của Người về giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Tờ The Egyptian Gazette (Công báo Ai Cập) số ra ngày 16/5 vừa qua dành toàn trang 6 để đăng tải bài viết có tựa đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình ảnh của Người trên đất nước Kim tự tháp”. Tác giả Hany Abdel Fattah đã dành những tình cảm tốt đẹp, sự ngưỡng mộ và kính trọng đối với “vị anh hùng kiệt xuất của đất nước Việt Nam”, nhấn mạnh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật lịch sử huyền thoại của thế kỷ XX.
Gọi thành công của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người là “phép màu”, Đại sứ Ai Cập Mohab El Samra nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng của sự khích lệ và ảnh hưởng lớn đến các phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Phi như Ai Cập và các quốc gia khác. Nhiều cuộc đấu tranh giải phóng đã lấy Việt Nam - Hồ Chí Minh làm lá cờ đầu”. Cũng vì vậy mà theo nhà báo Fattah, người dân các nước châu Phi cũng như các quốc gia yêu chuộng hòa bình vẫn thường nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng thân thương “Bác Hồ”.
Nuri Abdel, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á - Phi mới đây cũng chia sẻ niềm tự hào của ông về cơ hội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc vào năm 1950.
Theo ông Abdel, điều ấn tượng nhất về Người là khả năng lãnh đạo xuất sắc nhưng vẫn vô cùng khiêm tốn và gần gũi với người dân. “Tôi đã gặp nhiều nhà lãnh đạo có ảnh hưởng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo số 1 sau Thế chiến II… Ông dành cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng có một cuộc sống rất đơn giản và luôn yêu thương mọi người”, ông Nuri Abdel nói.
Rõ ràng, ánh sáng của lý tưởng và khát vọng độc lập dân tộc của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã để lại sự khâm phục và trân trọng trong rất nhiều nhà cách mạng quốc tế và bạn bè năm châu. Để rồi không chỉ mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, Bác Hồ còn tạo nền móng ngoại giao cho cách mạng Việt Nam, bằng chính phong cách giản dị, gần gũi và tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng của Người.
Là người đã có nhiều dịp gặp gỡ các vị lãnh đạo và các bạn bè Nga mà có thể nói là cả cuộc đời gắn với Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh cho biết mọi người đều khẳng định quan hệ Việt - Nga được như ngày nay là nhờ công lao và tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ. Đại sứ đặc biệt chia sẻ về chuyến thăm vào tháng 10/2018 đến tỉnh Ulianov - quê hương của Lãnh tụ vĩ đại nước Nga V.I. Lenin, tỉnh đã kết nghĩa với Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đó có tượng đài Bác Hồ cao hơn 5m, bảo tàng về Bác và Việt Nam ở trường trung học phổ thông số 76 tại TP Ulianov.
Điều đặc biệt nhất là bảo tàng về Bác Hồ do các em học sinh tổ chức và làm chủ, bao gồm việc giới thiệu cho các vị khách về Bác Hồ, về lịch sử đất nước và con người Việt Nam. “Tôi rất xúc động trước tình cảm của các cháu học sinh, thầy cô trường trung học số 76 dành cho Bác Hồ. Tôi nghĩ, tình cảm được hun đúc từ các cháu học sinh, những lớp thanh niên rất trẻ thì đấy là nền tảng, điều mà chúng tôi có niềm tin vững chắc rằng, những lớp trẻ như hiện nay kế thừa các lớp đi trước, tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai đất nước.”, Đại sứ Ngô Đức Mạnh nói với VOV.
Đến nay, tại 22 quốc gia trên thế giới đã có 35 công trình tượng, tượng đài Bác. Tại những nơi Người từng sống và hoạt động, nhiều khu di tích tưởng niệm, bảo tàng đã được xây dựng, tu sửa. Nhiều quốc gia đã đặt tên trường, lớp, tên đường phố, quảng trường mang tên Bác. Các công trình này là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước sở tại, là nơi lưu giữ những kỷ niệm về Bác và tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế, qua đó giúp tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài (2010-2020) do Bộ Ngoại giao tổ chức hồi tháng 3, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chu Đức Tính xúc động chia sẻ, điều đặc biệt là nhiều khu di tích tưởng niệm, bảo tàng về Bác được xây dựng từ nguồn kinh phí của nước sở tại, như các công trình ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Nga… Ông Chu Đức Tính kể lại, trong chuyến cùng đoàn công tác Việt Nam đến Cộng hòa Madagascar năm 2014 để khảo sát, tu sửa lại Tượng đài Bác Hồ tại đây, người dân và chính quyền nước bạn đã đề nghị tự chi trả kinh phí tu bổ. Điều này là minh chứng sống động cho sự trân trọng, tình cảm yêu mến của nhân dân thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần