Quốc tế tranh cãi khi nhà sáng lập Wikileaks bị bắt sau 7 năm "ẩn dật"

Hương Thảo (Theo USAtoday/AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Julian Assange hôm 11/4 bị bắt giữ bởi cảnh sát London - ngay sau khi Ecuador tước quyền tị nạn tại đại sứ quán - hiện đang đối mặt nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ.

Hình ảnh Julian Assange (râu, tóc trắng) bị lôi khỏi đại sứ quán Ecuador tại Anh, cắt từ một clip do truyền thông Nga công bố hôm 11/4.
Nhà báo hay tội phạm?
Việc phát hành một kho thông tin ngoại giao nhạy cảm và toàn bộ cơ sở dữ liệu của Lầu Năm Góc gần một thập kỷ trước hiển nhiên khiến Julian Assange và nhóm WikiLeaks trở thành một "kẻ thù" của chính phủ Mỹ.
6 năm sau, WikiLeaks đã xuất bản hàng ngàn email riêng tư liên quan đến nhiều thành viên trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton - mà theo các nhà điều tra là đã bị đánh cắp và chuyển cho tổ chức dưới trướng của Assange vốn làm việc cho chính phủ Nga. Sự kiện năm 2016 đã gây phẫn nộ cho chính quyền Mỹ, khi Giám đốc CIA lúc đó, Mike Pompeo, gọi tổ chức của Assange là "dịch vụ tình báo thù địch".
Tuy nhiên, không gì trong số những điều đó khiến chính phủ cáo buộc Assange là tội phạm. Thay vào đó, theo cáo buộc hình sự mà Washington đưa ra nhằm chống lại người sáng lập WikiLeaks hôm 11/4, các công tố viên liên bang đã tiết lộ một tội danh duy nhất của Assange là hành vi tham gia với cựu nhà phân tích tình báo quân đội Chelsea Manning vào năm 2010 để phá mật khẩu của một mạng máy tính bí mật tại Bộ Quốc phòng Mỹ.
Cáo buộc này dường như là kết quả của một cuộc đấu tranh lâu năm trong Bộ Tư pháp Mỹ về những gì cần làm với WikiLeaks và người sáng lập, khi mà những hoạt động bị Washington cáo buộc là liên tục gây nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia lại khó phân biệt với hoạt động của những nhà báo thường khai thác thông tin mật của Chính phủ. Chính điều này cũng dẫn đến những chỉ trích của các bên về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận hay sâu xa hơn là về bản chất thực của nền dân chủ Mỹ.
"Báo chí không phải sai trái, nhưng tấn công mạng thì có... Bản cáo trạng thực sự xoay quanh cáo buộc rằng anh ta (Julian Assange) đang âm mưu hack vào máy tính Bộ Quốc phòng", cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ April Doss nhận định, "bản cáo trạng này không gây ra bất kỳ rủi ro nào với các nhà báo đang nắm giữ thông tin tương tự".
Biểu tình phản đối việc bắt giữ Julian Assange đã nổ ra tại Tây Ban Nha và trước ĐSQ Anh tại Washington từ hôm 11/4 đến nay. 
Khả năng dẫn độ về Mỹ?
Ryan Fayhee, cựu công tố viên liên bang thuộc Bộ An ninh quốc gia của Bộ Tư pháp đang giám sát vụ án Wikileaks, nói rằng nhiều khả năng chính phủ có thể bổ sung thêm một số chi tiết chưa có trong bản công bố rút ngắn hôm 11/4.
Đáng chú ý, cũng theo ông Fayhee, tội danh hiện tại của Assange đã "làm dịu" khả năng ông này bị dẫn độ về Mỹ, một phần là bởi luật pháp Anh cũng công nhận hành vi xâm nhập máy tính là tội.
"Các tòa án Vương quốc Anh sẽ cần phải đối mặt với một nỗ lực chưa từng có của Washington trong việc tìm cách dẫn độ một nhà báo nước ngoài để đối mặt với cáo buộc hình sự về việc công bố thông tin trung thực", Barry Pollack, luật sư đại diện cho Assange tại Mỹ nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần