"Giao lộ định mệnh" bị loại, Cánh diều Vàng lại có “sạn”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2010 chỉ còn mấy ngày nữa là "khai màn". Phim "Giao lộ định mệnh" được chọn vào danh sách tham gia tranh giải phim truyện nhựa, rồi lại bất ngờ bị loại khỏi danh sách ngay trước ngày trao giải.

KTĐT - Lễ trao giải Cánh diều Vàng 2010 chỉ còn mấy ngày nữa là "khai màn". Phim "Giao lộ định mệnh" được chọn vào danh sách tham gia tranh giải phim truyện nhựa, rồi lại bất ngờ bị loại khỏi danh sách ngay trước ngày trao giải. Phải chăng Cánh diều Vàng ngày càng lộ rõ cách tổ chức không chuyên nghiệp của mình?

 

Cuối năm 2010, ngay sau khi bộ phim "Giao lộ định mệnh" của đạo diễn Victor Vũ ra mắt, công chúng yêu điện ảnh đã đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh "nghi án" đạo phim. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo về giải Cánh diều Vàng và Ngày Điện ảnh Việt Nam lần thứ 2 tại Hội Điện ảnh Việt Nam (23/2), ông Nguyễn Văn Tân, Chánh văn phòng Trung ương Hội khẳng định: "Vì Giao lộ định mệnh đạt tiêu chí tham dự giải thưởng Cánh diều Vàng 2010 nên được lựa chọn tham gia. "Nghi án" đạo phim của Giao lộ định mệnh mới dừng lại ở sự "mổ xẻ" của công chúng. Hội Điện ảnh chưa nhận được văn bản có tính pháp lý nào khẳng định bộ phim này đạo phim".

 

Khi những tranh cãi về việc bộ phim có nhiều chi tiết giống bộ phim "Shattered" của Mỹ sản xuất từ năm 1991 ngày càng trở nên dữ dội, Cục và Hội Điện ảnh Việt Nam lại họp bàn, xét quyền tham dự giải của tác phẩm này. Mặc dù, cuộc xem phim đối chiếu, họp bàn có đủ các thành viên: Ban Thường vụ Hội, Ban Giám khảo, Ban Lý luận phê bình tác phẩm, Ban Sáng tác, Tiểu ban phê bình, báo chí… nhưng không tránh khỏi những ý kiến bất bình. Người ta không bênh vực cho tác phẩm, cũng không tiếc cho danh sách tham gia tranh giải vì còn 10 phim (Tây Sơn hào kiệt, Hoa đào, Vũ điệu đam mê, Vượt qua bến Thượng Hải, Long thành Cầm Giả Ca, Khát vọng Thăng Long, Nhìn ra biển cả, Cô dâu đại chiến, Cánh đồng bất tận, Thiên sứ… 99) mà kém vui. Công chúng và nhiều người làm nghề bất bình về cách hành xử của những người "đứng mũi chịu sào" trong khâu tổ chức giải thưởng. Quyết định loại "Giao lộ định mệnh" ra khỏi danh sách tham gia tranh giải khi lịch chiếu phim các phim tham dự giải đã "lên khuôn" và vé mời đã phát đến tay nhiều khách mời; khi chỉ còn vài ngày nữa đêm tôn vinh giải thưởng này sẽ diễn ra. Để đến bây giờ, chủ nhân của "nghi án" đạo phim - Victor Vũ - cũng tự ái và đòi rút tiếp tác phẩm "Cô dâu đại chiến" do anh đạo diễn, ra khỏi "cuộc chơi" này.

 

Các thành viên trong cơ cấu tham dự giải Cánh diều Vàng 2010 đưa ra mọi lý do, phủ nhận lời khẳng định đủ tiêu chí tham gia dự giải trước đó: "Đây là phim mang phong cách Mỹ, chẳng có gì mới", theo lời NSND đạo diễn Bùi Đình Hạc. Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc khẳng định: "Giao lộ định mệnh đúng là đã "thuổng" cốt truyện, hồn víacủa bộ phim Shattered". Bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh thìngậm ngùi: "Việt Nam chẳng thể nghĩ ra được một kết cấu kịch bản như thế đâu". Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, thành viên Ban Giám khảo thể loại phim truyện nhựa thì cho rằng: "Tiêu chí của giải Cánh diều Vàng là đề cao tính cống hiến, tính sáng tạo, bởi vậy, "Giao lộ định mệnh" bị loại vì không hợp với tiêu chí này". Hội Điện ảnh Việt Nam không khẳng định bằng văn bản "Giao lộ định mệnh" đạo phim. Điều đó không thuộc thẩm quyền của Hội và Ban tổ chức giải thưởng Cánh diều Vàng 2010. "Vì mục tiêu của giải thưởng là kêu gọi những người làm nghề sử dụng tác phẩm có xin phép nên buộc chúng tôi phải có trách nhiệm quyết định quyền được tham gia hay không tham gia của bộ phim Giao lộ định mệnh"- ông Trần Luân Kim, Trưởng Ban Giám khảo phim truyện nhựa bày tỏ.


Vẫn biết, người làm nghề cần phải đề cao việc sử dụng tác phẩm có bản quyền. Vẫn biết vấn đề thẩm định bản quyền tác phẩm không thuộc trách nhiệm của Hội Điện ảnh Việt Nam. Vẫn biết, "Hội Điện ảnh không dễ mấy tay mà lo hết được tất cả mọi việc, trong khi vấn đề vi phạm bản quyền là tình trạng nan giải của cả xã hội", như lời ông Nguyễn Văn Tân, Chánh văn phòng Hội. Tuy nhiên, hội nghề nghiệp lớn nhất của ngành điện ảnh không thể bảo chữa cho cách làm ăn dễ dãi: Gửi thư mời tác phẩm tham gia dựthi rồi lại loại tác phẩm.

 

Mỗi năm chỉ có một lần, và lần nào giải thưởng Cánh diều Vàng cũng để lại không ít "sạn". Năm 2007, là cuộc xì xào về giải Cánh diều Vàng 2006 dành cho phim truyện nhựa "Áo lụa Hà Đông" và "Hà Nội, Hà Nội", tiếp đó là sự lập lờ về kết quả bình chọn của khán giả dành cho phim truyện nhựa được yêu thích nhất... Nếu muốn khán giả dành tình yêu cho điện ảnh Việt, thì bản thân những người làm nghề nên cẩn trọng hơn với tất cả những hoạt động liên quan đến nghề của mình.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần