Quy định mặc áo choàng vào di tích: Người chấp hành, kẻ… khó chịu

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ghi nhận của phóng viên, tại đền Ngọc Sơn, chiều 24/4 có đến hơn 100 du khách, chủ yếu là khách nước ngoài phải mượn áo choàng dài thay cho trang phục… quá ngắn khi bước vào di tích.

Nhiều điểm di tích của Hà Nội bắt đầu thực hiện quy định không để du khách ăn mặc hở hang vào tham quan.
Khách Tây hay cần mượn
Nhiều điểm di tích như chùa Bảo Hà (Lào Cai), hoặc hầu hết các điểm di tích ở Nha Trang cũng đã thực hiện quy định may áo choàng dài cho du khách thuê khi cần. Còn ở Hà Nội, đến tận giữa tháng 4/2017, nếu du khách mặc quần soóc, áo sát nách vào các điểm di tích đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, tượng đài Vua Lê (phố Lê Thái Tổ), di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm và di tích Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ở Vạn Phúc… mới bắt đầu bị nhắc nhở, yêu cầu quay lại bàn mượn trang phục.

Khách nước ngoài mượn áo khoác tại đền Ngọc Sơn.  Ảnh:  Thanh Hải

100 bộ áo choàng dài dành cho nam và nữ được Ban quản lý đền Ngọc Sơn chuẩn bị, bố trí quầy cho mượn ngay đối diện khu bán vé vào tham quan di tích. “Một ngày có khoảng 300 lượt du khách cần mượn trang phục. Đa phần khách nước ngoài đi theo hình thức du lịch tự do cần mượn. Còn lại các du khách đi theo các tour, tuyến đã được các đơn vị lữ hành nhắc nhở nên đã nắm bắt được quy định của di tích” – anh Nguyễn Đăng Sơn – Phòng Quản lý di tích (Ban quản lý di tích đền Ngọc Sơn), nhân viên trực quầy mượn trang phục cho biết. Cho dù mới bắt đầu thực hiện chưa được 2 tuần, nhưng nhiều du khách hồ hởi đón nhận. “Chiếc áo choàng này khá tiện dụng, chất liệu mát mẻ, màu sắc vừa phải. Từ khi Ban quản lý đền Ngọc Sơn cho du khách mượn trang phục, chị em phụ nữ chúng tôi không phải lo vì chót mặc váy ngắn không thể vào khu thờ tự” – chị Nguyễn Thị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết. Bà Jacqueline (người Pháp) bày tỏ sẵn sàng hợp tác vì thể hiện sự tôn trọng văn hóa tín ngưỡng của nước sở tại. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều du khách tỏ ra không hợp tác, nhiều người vắt vẻo chiếc áo trên vai, hoặc buộc túm phía hông trông rất phản cảm. Ngoài cổng đền Ngọc Sơn, lực lượng bảo vệ đã nhắc nhở du khách, nhưng phía trong sân đền do thưa vắng người quan sát nên du khách vẫn tự do mặc theo ý mình.
Nhiều nơi còn nghe ngóng
Ở một số điểm di tích như nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám sau khi nghe ngóng việc may và cho du khách mượn trang phục ở đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu… được mọi người hưởng ứng cũng đã rục rịch chuẩn bị học tập. “Khoảng 26/4, Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ tiến hành chốt các phương án thiết kế mẫu áo cho du khách mượn. Dự kiến, mẫu áo sẽ có màu đỏ đậm, hoa văn Văn Miếu in chìm. Khoảng trung tuần tháng 5/2017 sẽ áp dụng” – ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết.
“Lúc đầu việc lựa chọn may trang phục như thế nào cho hợp lý cũng là điều chúng tôi lo lắng. Sau khi đưa ra ý tưởng, chúng tôi quyết định chọn áo màu tím hồng nhạt cho nữ và kẻ xanh cho nam. Chúng tôi không chọn màu nâu sòng vì để khi sử dụng du khách dù theo tôn giáo nào cũng thấy thoải mái” - bà Nguyễn Thị Hòa – Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội bày tỏ. Được biết mỗi bộ trang phục áo choàng có giá trên 500.000 đồng, được sử dụng từ nguồn thu bán vé của di tích. “Kinh phí đó đáng lẽ lo cho việc khác, nhưng chúng tôi ưu tiên để may trang phục. Du khách được mượn miễn phí” – bà Hòa nhấn mạnh.
Trên thực tế, mới có các di tích cấp Sở VH&TT Hà Nội quản lý may trang phục cho du khách mượn miễn phí. Một trong các di tích trọng điểm của Hà Nội là phủ Tây Hồ vẫn kêu khó. Theo ông Trương Chí Hồi – Phó Ban quản lý phủ Tây Hồ: “Lượng khách đến di tích vào những ngày Rằm, mùng Một lên đến cả vạn người, may bao nhiêu trang phục cho xuể? Chúng tôi chủ yếu vẫn dựa vào lực lượng bảo vệ nhắc nhở du khách, ngăn không cho những du khách mặc váy quá ngắn vào hành lễ nơi thờ tự”. Như vậy, cùng là di tích trên địa bàn TP nhưng đã có nơi trang nghiêm, có nơi vẫn để ăn mặc ngắn hở tùy ý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần